tháng 4 2016
Để tìm được một công việc ưng ý trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay không hề đơn giản. Ngoài trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, hầu hết các nhà tuyển dụng đều ưu tiên các ứng viên có nhiều “kỹ năng mền”. Dưới đây là 10 kỹ năng mà bạn nên cải thiện nếu muốn được thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp.



1. Kỹ năng đặt mục tiêu

Nếu không có mục tiêu nghĩa là bạn đang  trên con đường không có điểm dừng. Do vậy điều kiện đầu tiên để thành công là phải có đích đến, đó chính là mục tiêu. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể đặt và thực hiện được mục tiêu như mong muốn. Kỹ năng đặt mục tiêu vô cùng quan trọng, nó là tiền đề cho những bước tiếp theo của bạn.

2. Sáng tạo trong công việc

Không ai dạy bạn cách sáng tạo trong công việc, nếu có chỉ là hướng dẫn bạn nên làm như thế nào để công việc đạt hiệu quả cao nhất. Vậy kỹ năng sáng tạo trong công việc do chính bạn nắm bắt và khơi nguồn. Một công việc quen thuộc, làm hàng ngày theo một cách dập khuôn chỉ mang lại cho bạn kết quả như những lần trước. Hãy thử tìm cách khác để thực hiện công việc đó nhanh hơn, sáng tạo hơn và cho kết quả tốt hơn.

3. Biết lắng nghe và học tập những lời phê bình

Kỹ năng lắng nghe vô cùng quan trọng đối với tất cả chúng ta. Dĩ nhiên ai cũng biết lắng nghe, nhưng lắng nghe như thế nào cho hiệu quả thì không phải ai cũng làm được. Vì thế, để thành công bạn cần phải rèn luyện kỹ năng lắng nghe người khác như thế nào cho hiệu quả nhé.

Trong cuộc sống và công việc không chỉ có những lời khen mà còn có những lời phê bình. Đừng tự ái vì điều này mà hãy xem đó như những bài học hữu ích, bởi những lời phê bình là những lời góp ý chân thành nhất, giúp bạn nhìn thấy những khuyết điểm cần phải thay đổi của bạn thân.

4. Giao tiếp hiệu quả

Giao tiếp đối với nhiều người thật sự rất dễ dàng, nhưng với một số người đó lại là nỗi sợ hãi, lo lắng. Nhưng nếu bạn là người không giỏi trong giao tiếp, lời nói không có trọng lượng, không tạo được niềm tin cho đối tác thì chắc chắn thành công sẽ rất khó đến. Hãy luôn nhớ giao tiếp hiệu quả không phải là nói nhiều mà phải tuỳ từng hoàn cảnh để có cách giao tiếp cho phù hợp.

Để có kỹ năng giao tiếp tốt bạn nên đọc cuốn sách "Đắc nhân tâm", một cuốn sách giúp bạn thu phục lòng người.
5. Tự tin, năng động và biết lôi kéo người khác
Đây là ba yếu tố bạn cần phải có trên con đường chinh phục thành công. Một người tự tin sẽ luôn có những mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời mình. Năng động sẽ giúp chúng ta có nhiều mối quan hệ và luôn được đánh giá cao. Khi là người tự tin, năng động bạn cũng cần phải thể hiện được khả năng chinh phục, lãnh đạo của bản thân đó là lôi kéo người khác đứng về phía mình, làm theo kế hoạch của mình.

6. Kỹ năng làm việc đồng đội

Bạn không thể lúc nào cũng làm việc một mình, dù ở bất kỳ môi trường làm việc nào cũng sẽ có lúc phải làm việc nhóm. Điều kiện cần để làm việc nhóm là bạn phải biết cách kết hợp hài hoà với cách thành viên trong đội để có được kết quả cuối cùng tốt nhất. Vậy kỹ năng làm việc nhóm rất cần thiết cho quá trình thăng tiến của bạn, khi làm việc nhóm cũng là cơ hội để bạn thể hiện năng lực, sự nhiệt tình của bản thân trong công việc chung.

7. Kỹ năng khám phá và lãnh đạo bản thân

Người Việt Nam chúng ta thường có tâm lý không tự tin cho dù vấn đề đó bạn có thể làm được, thậm chí là làm tốt. Đừng nghĩ mình kém cỏi, hãy thử đảm nhận nhiệm vụ và bắt tay vào làm. Biết đâu bạn sẽ khám phá ra mình có khả năng nào đó mà từ trước tới nay không hề biết. Tuy nhiên, khi làm việc gì bạn cũng cần phải nắm rõ được mục đích cuối cùng và lãnh đạo bản thân để không bị bỏ cuộc giữa chừng hoặc đi quá xa so với yêu cầu của công việc. Hãy biết dừng lại đúng lúc.

8. Kỹ năng tổ chức công việc và quản lý thời gian

Thời gian là vàng, một giây trôi đi là mất đi mãi mãi, vì vậy hãy sắp xếp công việc một cách khoa học nhất, theo thứ tự yêu tin và xác định thời gian cụ thể thực hiện công việc đó. Ví dụ, một bản báo cáo đáng ra chỉ làm mất một giờ, nhưng vì có nhiều thời gian nên bạn kéo dài hết cả một ngày làm việc. Như vậy thật sự quá lãng phí. Hãy dành thời gian rãnh đó giải quyết những công việc khác hoặc nghĩ ra những sáng kiến mới cho công việc để đạt  năng suất cao hơn.

9. Kỹ năng ra quyết định

Kỹ năng này đóng vai trò then chốt đến thành công hay thất bại của bạn và tổ chức. Nếu là một nhân viên, khi nhận nhiệm vụ từ cấp trên điều đầu tiên bạn phải xem nhiệm vụ đó có vừa sức của mình hay không. Nếu bạn làm được và nhận nhiệm vụ thì không có gì phải bàn cãi. Nhưng nếu đó là một nhiệm vụ khó, vượt qua khả năng của bạn thì chắc chắn bạn phải từ chối hoặc nhờ sự hỗ trợ. Nhưng làm sao dám từ chối khi đó là nhiệm vụ của cấp trên, lúc này kỹ năng ra quyết định sẽ giúp được bạn.

Trường hợp nếu là người lãnh đạo, việc ra quyết định càng quan trọng hơn. Quyết định đúng hay sai sẽ tác động trực tiếp tới tổ chức và cả cá nhân người lãnh đạo. Do vậy hãy cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định điều gì để có lợi cho tổ chức và cả bản thân mình.

10. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Trong cuộc sống cũng như công việc không phải lúc nào cũng thuận lợi, suôn sẻ. Sẽ có những vấn đề phát sinh không thể lường trước được. Lúc này bắt buộc bạn phải có cách giải quyết vấn đề một cách khoa học để không làm ảnh hưởng đến thành quả công việc, đó chính là kỹ năng giải quyết vấn đề mà bạn cần phải có.

Những kỹ năng mềm này không phải tự nhiên có mà sẽ được hình thành trong quá trình làm việc, tích luỹ kinh nghiệm. Vì vậy, nếu bạn còn thiếu hoặc thấy mình chưa có những kỹ năng này thì cũng đừng quá lo lắng, từ từ bạn sẽ tất cả những kỹ năng trên.

Bài diễn văn của Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh trong lễ Tốt nghiệp trường Cao đẳng Việt Mỹ

Anh Tuấn Quỳnh hiện là tổng giám đốc Alpha Books, sau khi đã kinh qua rất nhiều vị trí quản lý cao cấp và là một doanh nhân thành đạt. Tôi có dịp biết anh Tuấn Quỳnh từ 5 năm trước, trong suốt thời gian đó, luôn kính trọng anh với tư cách là người rất nhiệt tình với công việc chung, với giới trẻ, với xã hội. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi không biết anh ấy lấy đâu ra nhiều năng lượng để phụng sự xã hội như vậy.

Nguyễn Tuấn Quỳnh trong bài phát biểu lễ Tốt nghiệp trường Cao đẳng Việt Mỹ 2016

Kính thưa Quý thầy cô, Quý quan khách, phụ huynh và quý sinh viên thân mến,
Tôi rất xúc động và vinh dự được đứng ở vị trí trang trọng này và chia sẻ vài điều tâm đắc với các bạn, những người vừa thở phào nhẹ nhõm vì đã tốt nghiệp tại trường Cao Đẳng Việt Mỹ. Với tôi, học tập luôn là lao động vất vả nhất nên xin nhiệt liệt chúc mừng các bạn, đã hoàn tất xuất sắc một đoạn đời và ghi dấu một cột mốc trong quá trình trưởng thành của mình.
Các bạn sinh viên thân mến,
Cho phép tôi vẫn gọi các bạn là sinh viên vì tấm bằng các bạn nhận trong hôm nay, cũng chỉ một loại chứng nhận thể hiện sự nỗ lực của các bạn trong 3 năm vừa qua. Tuy nhiên, với trường Đại học – Cuộc đời, kéo dài hơn 40 năm tiếp theo nữa thì ngày hôm nay, các bạn vẫn là những sinh viên giàu nhiệt huyết nhưng thiếu kiến thức lẫn kinh nghiệm. Bể học vốn vô cùng!
Các bạn sinh viên thân mến,
Vừa qua, Quốc hội đã bỏ phiếu để bầu ra Chính phủ mới. Toàn bộ lãnh đạo mới đều không có ai xuất thân từ TP.HCM. Tôi hy vọng trong số những bạn ngồi đây sẽ có người trở thành Bộ trưởng hoặc cao hơn, cũng như có thể trở thành các doanh nhân thành đạt nằm trong Top500 người giàu nhất trên sàn giao dịch chứng khoán. Nhưng cũng có thể sau 20-30 năm nữa, không ai ngồi đây được như vậy. Tuy nhiên, các bạn đừng quá lo lắng và xem đó là thất bại của đời mình. Tất cả các bạn ở đây đều có thể thành công và hạnh phúc trong cuộc đời, theo suy nghĩ của tôi. Đó là, các bạn sẽ trở thành những người có giá trị chứ không chỉ giàu có về vật chất.
Tôi xin chia sẻ với các bạn về câu chuyện của tôi. Hơn 20 năm trước, khi đứng trước ngưỡng cửa vào đại học và chọn nghề, tôi đã quyết định học kinh tế. Tôi nghĩ đơn giản là, học kinh tế sẽ dễ kiếm tiền, làm giàu. Khi tốt nghiệp đại học, đi làm, thì mục tiêu lớn nhất vẫn là làm sao để hoàn thành xuất sắc các công việc được giao để thăng tiến trong sự nghiệp.
Bước ngoặt cuộc đời là khi tôi rời doanh nghiệp nhà nước và bắt đầu dấn thân trên con đường làm chủ. Tôi đối diện với nhiều thách thức hơn, nỗ lực nhiều hơn và cũng gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Kinh tế bản thân cũng nhờ vậy mà tốt hơn. Nỗi lo cơm áo gạo tiền không còn ám ảnh nữa. Và trên hết, tôi tin là mình có thể sống tốt bằng chính năng lực bản thân.
Trong quá trình trưởng thành đó, tôi nhận ra một chân lý: nếu như tôi chết đi với gia tài 100 triệu USD hay là 10 USD thì cũng không khác gì nhau. Chết là hết. Vì vậy, giá trị của cuộc đời không phải là gia tài vật chất bạn để lại cho con cháu mà chính là những đóng góp có giá trị cho cộng đồng trong suốt cuộc đời của bạn.
22 năm sau ngày tốt nghiệp đại học, tôi đã làm việc cho hơn 26 công ty, đi được trên 40 nước, chia sẻ kiến thức với hàng ngàn sinh viên, bạn trẻ, viết hàng trăm bài báo, tác giả của 2 cuốn sách …
Tuy vậy, cuộc sống của tôi không phẳng lặng. Tôi cũng đã trải qua những thất bại trong công việc và trong tình cảm. Tôi đã có nhiều lúc thất vọng về bản thân và gây tổn thương cho những người yêu thương mình. Nhưng nhờ vậy, tôi đã trưởng thành hơn từ những nỗi đau của mình trong cuộc sống.
Tôi sống chậm lại và quan sát cuộc đời. Theo thời gian, tôi hiểu về những giá trị mình có thể cống hiến cho đời, những suy nghĩ tích cực giúp cho mình sống có ích. Tôi nhận ra, ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở tài sản vật chất mình có được mà chính từ những giá trị tích cực mình tạo ra mỗi ngày.
Các bạn sinh viên Trường Cao Đẳng Việt Mỹ thân mến,
Để trở thành một người có GIÁ TRỊ là một chặng đường dài. Đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, bạn cần phải HOÀN THIỆN bản thân mình.
1. Không ngừng học hỏi để trưởng thành:
Tôi tốt nghiệp Đại học năm 1994, đi học cao học năm 1995 và đi thi nghiên cứu sinh năm 1999. Tuy nhiên, quá trình học hỏi từ nhà trường, tôi nghĩ là không đủ. Tôi học qua các công việc mình được làm. Đó cũng là lý do mà tôi có liên quan đến 26 công ty trong 22 năm. Tôi học cách đối nhân xử thế từ những người lãnh đạo và đồng nghiệp của mình. Trong đó, bài học mà tôi luôn ghi nhớ đó là tình yêu thương. Tốt nghiệp đại học, tôi nặng 54kg, ốm nhom, mặt hình tam giác. Trong công ty, có một người nấu bếp mà tôi gọi là Má Thường. Các buổi ăn trưa, tô canh của tôi luôn có một cục mỡ heo to tướng nhưng giá tiền vẫn vậy. Khoảng 2-3 ngày, má Thường mua óc heo và chưng cho tôi ăn. Má muốn tôi mập lên vì như vậy trông mới khỏe và đẹp trai. Sau 5 năm được Má Thường chăm sóc, tôi lên hơn 20kg và có thể làm người mẫu! Má Thường đã mất cách đây 7 năm.
Tôi nghĩ, những bài học về đối nhân xử thế, về tình người luôn có giá trị to lớn. Một lần, lúc đó, tôi là Bí thư Đoàn Thanh niên công ty, chúng tôi về Đồng Tháp để tặng quà cho người dân vùng lũ lụt. Yêu cầu của chúng tôi là người nhận quà phải là người nghèo. Tuy nhiên, tôi phát hiện ra là trong số những người nhận quà có người thân của cán bộ xã và họ không nghèo. Tôi nóng máu, lớn tiếng phản đối lãnh đạo xã. Sếp tôi đã yêu cầu tôi im lặng và đi ra ngoài. Ông nói với tôi, đến lúc này, phải tin vào danh sách của địa phương và rút kinh nghiệm, lần sau phải về tận nơi tìm hiểu trước khi trao. Việc nóng máu, phản đối lúc này chỉ làm mọi thứ tệ hơn. Phải biết chấp nhận có những điều không công bằng trong cuộc sống! Và quan trọng hơn, phải rút kinh nghiệm để những điều không công bằng như vậy – ít xảy ra hơn bằng sự tận tâm của mình.
Tôi cũng đã học từ những thất bại của chính mình. Tôi là người có máu đỏ đen. Thời kỳ bùng nổ của chứng khoán – vàng, tôi đã mê mãi lao vào kinh doanh chứng khoán, kinh doanh vàng tài khoản và thất bại không ít. Cách đây 7 năm, tôi quyết định là mình sẽ không kinh doanh chứng khoán nữa (trừ việc mua cổ phiếu của những công ty mà tôi điều hành) và càng không dính vào thị trường mua bán vàng cũng như tránh xa những trò đỏ đen.
Tôi học từ sách. Tôi chọn công việc hiện nay liên quan đến sách cũng từ niềm đam mê của mình. Tôi đọc sách, thấy điều gì hay là áp dụng ngay, đặc biệt trong quá trình điều hành doanh nghiệp. Tôi tâm đắc với câu nói của Thomas Carlyle: “Chúng ta sẽ trở thành gì phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”.
Tuy nhiên, hiện nay, qua quan sát, tôi thấy có nhiều bạn trẻ bằng lòng với công việc mình đang làm. Các bạn còn thờ ơ với sách vở, xem việc có tấm bằng đại học là đã đủ. Nhiều bạn chỉ thích lang thang trên mạng và như đang trôi vô định trong dòng đời.
Nhiều bạn đang chọn cuộc sống làng nhàng và không có nhu cầu tự học hay tự hoàn thiện bản thân. Và như là một sự tất yếu, may mắn chỉ mỉm cười với những người luôn nỗ lực vươn lên và chủ động tạo cơ hội cho mình.
Là người lãnh đạo hay đàn anh đi trước, chúng tôi chỉ có thể gợi mở, định hướng, tạo điều kiện chứ không thể bắt ép các bạn nhân viên trẻ đọc sách hay thúc ép tham gia các khóa học. Chưa kể dù có ngồi trong lớp học đi nữa mà người đó không thích hoặc không muốn ứng dụng điều mình học vào cuộc sống, biến kiến thức của thiên hạ thành tài sản của bản thân thì thời gian ngồi trong lớp học cũng thành vô ích!
Cho nên, các bạn sinh viên thân mến ơi, để hoàn thiện bản thân, tôi cho rằng điều đầu tiên cần phải xác định học hỏi là một nhu cầu của bản thân, để mỗi người có thể giỏi hơn, hoàn thiện mình hơn ngày hôm qua. Một ngày trôi qua mà không tiếp thu, tích lũy được điều gì mới, có ích thì đó là một ngày lãng phí!
Việc tích cực học hỏi có thể chưa mang lại ngay vị trí tốt hơn trong công việc nhưng chắc chắn với tinh thần cầu tiến và thái độ sẵn sàng học hỏi, các bạn sẽ làm tốt hơn công việc được giao và giúp ích được những người xung quanh. Hơn nữa, chính kiến thức được tích lũy và những thành công nho nhỏ trong công việc sẽ giúp chúng ta tự tin và vui sống.
Là một người có hơn 20 năm làm kinh doanh, yêu thích sách vở nhưng mỗi lần bước chân vào cửa hàng sách, tôi luôn choáng ngợp kèm theo nỗi lo lắng. Có quá nhiều sách mới, kiến thức mới mà mình cần phải biết. Phải đọc, phải học thôi!
2. Sẵn sàng trải nghiệm:
Tôi thử thách bản thân qua các cuộc thi và kết quả là tôi thường đạt được những giải cao nhất. Ví dụ như: Giải Nhất Cuộc thi do tàu Peace Boat và Hội Liên Hiệp Thanh Niên VN tổ chức và giải thưởng là du lịch vòng quanh thế giới năm 1999; Giải nhất cuộc thi do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức về mối quan hệ VN-Ấn Độ trong thế kỷ 21 và giải thưởng là một chuyến du lịch Ấn Độ năm 2001; Giải nhất cuộc thi Tuỳ bút xanh của Báo Tuổi Trẻ Online năm 2010, 2011; Giải thưởng Doanh nhân được yêu thích nhất năm 2011; Giải thưởng Giảng viên doanh nhân được yêu thích nhất năm 2013…
Tôi nghĩ rằng, khi đặt mục tiêu rõ ràng trong công việc với những yêu cầu cao dành cho bản thân, tôi có đích đến cụ thể để vươn tới. Vấn đề là định ra con đường và dám dấn thân, bắt tay vào thực hiện nó.
Tôi cũng xốc nổi, đa mang và va vấp, thất bại nhiều nhưng tôi chưa bao giờ nản chí hoặc thiếu tự tin. Tôi đã trưởng thành từ những thất bại của bản thân, nhất là trong việc điều hành kinh doanh và đối nhân xử thế.
Tôi cho là may mắn giữ vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống. Nhưng với tôi, trong nhiều trường hợp trừ việc mua xổ số hoặc đánh bài, may mắn chính là kết quả của sự nỗ lực, dấn thân, làm việc trước đó. Tôi đã từng có cơ hội để kiếm tiền, tôi đã “chộp” lấy cơ hội đó. Nhưng cơ hội chỉ mở ra cho tôi khi tôi đã làm việc cật lực và xuất sắc. Tôi tin mọi thứ trong cuộc đời này đều có “duyên” của nó. Và “may mắn” cũng là “duyên” của sự cố gắng, nỗ lực mà đôi khi chúng ta không nhìn thấy rõ ràng được.
3. Làm những việc nhỏ với tình yêu lớn:
Thực tiễn đã cho thấy, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự gia tăng của tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là do nhiều tân cử nhân quá ảo tưởng về sức mạnh của bằng cấp. Sau khi tốt nghiệp với mảnh bằng loại giỏi và được nhận vào các công ty, nhiều sinh viên mới ra trường đã quyết định nghỉ việc chỉ sau một khoảng thời gian ngắn chỉ vì cảm thấy các nhiệm vụ được giao không xứng đáng với thành tích học tập mà họ sở hữu. Kết quả là có ngày càng nhiều sinh viên giỏi đã không thể tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.
22 năm trước, tôi tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc và được nhận vào làm ở một công ty dầu khí lớn. Tôi có những dự định to tát, nhưng những công việc đầu tiên tôi được giao là photocopy tài liệu, đánh máy văn bản, giao nhận hồ sơ, dịch tài liệu… Thật sự đó là những công việc rất nhàm chán. Tuy vậy, tôi đã rất vui vẻ và tập trung để làm tốt. Chính những công việc “nhỏ nhoi” này đã giúp tôi rất nhiều sau này, trong những hoàn cảnh đặc biệt, tôi có thể “độc lập tác chiến” từ photocopy, fax tài liệu đến phiên dịch. Ngoài ra, các nhân viên của tôi cũng kính nể sếp hơn khi thấy sếp có thể làm tốt cả những công việc tầm thường?”.
Bằng tốt nghiệp đại học chỉ là “mảnh giấy thông hành” cho bạn “bước chân” vào các công ty. Nó chỉ thể hiện khả năng học tập của sinh viên trên giảng đường đại học nhưng không thể chứng minh cho năng lực làm việc của một nhân viên trong môi trường công sở. Hãy bắt đầu tích lũy kinh nghiệm từ những công việc nhỏ nhất và hoàn tất nó một cách xuất sắc với tình yêu lớn nhất!
4. Phấn đấu trở thành người giỏi nhất
Các bạn sinh viên thân mến, tôi tin rằng mỗi người ngồi đây đều xuất sắc hơn những gì chúng ta nghĩ về mình. Vấn đề quan trọng là chúng ta có dám tin vào điều đó hay không! Suy cho cùng, hành trình cuộc đời chính là khám phá và đánh thức con người tuyệt vời trong mỗi người!
Do môi trường làm việc của mình, tôi thường xuyên tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ có khát vọng làm giàu cháy bỏng. Một khiếm khuyết phổ biến của họ là rất tin vào các câu chuyện làm giàu nhanh chóng nhờ đầu tư vào vàng, chứng khoán hay địa ốc; họ luôn cố gắng tìm kiếm các cơ hội làm giàu ở bên ngoài; sẵn sàng bỏ công việc mà mình yêu thích và nhảy việc chỉ vì tiền lương chênh lệch vài trăm USD. Họ không nhận ra rằng, con đường để trở nên giàu có đòi hỏi thời gian, sự nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân cũng như trở thành người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
Khát vọng làm giàu là hoàn toàn chính đáng. Tôi biết nhiều bạn ngồi đây cũng giống tôi 22 năm trước: Vào đời với 2 bàn tay trắng. Vậy làm thế nào để giàu? Qua chính kinh nghiệm của bản thân, tôi nhận ra rằng, một trong những con đường làm giàu chính đáng và có cơ may thành công nhất chính là hãy làm tốt nhất công việc mà bạn yêu thích, đam mê. Hãy luôn phấn đấu trở thành một trong những người giỏi nhất, chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình.
Tôi đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên chính nhờ bí quyết này. Tôi làm điều hành kinh doanh gas cho một công ty Nhà Nước. Sau 3 năm, dẫn dắt, thương hiệu gas đó đã tái khẳng định vai trò số 1 Việt Nam về sản lượng và lợi nhuận. Nhờ thành tích này, tôi được một quỹ đầu tư mời về điều hành 1 công ty gas tư nhân. Chúng tôi bắt đầu bằng con số 0. Sau 3 năm gầy dựng, chúng tôi trở thành Top 5 công ty gas hàng đầu phía Nam. Các cổ đông đã quyết định bán toàn bộ công ty gas này cho một công ty nước ngoài. Tôi đã thu được tiền lãi từ bán cổ phần công ty là trên 1 triệu đô la. Đó là năm 2007 và tôi 35 tuổi. Tôi có cơ hội này vì tôi được đánh giá là người kinh doanh gas giỏi nhất tại thị trường lúc đó!
Công thức để trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực nào đó thì cần phải hội đủ 3 yếu tố: có ước mơ, có thầy giỏi và kiên trì luyện tập từ 8.000 giờ – 10.000 giờ theo đúng định hướng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải nhanh nhạy nắm bắt được các cơ hội mở ra như hợp tác, cộng tác với người khác hoặc tự mình xây dựng và phát triển một hay nhiều doanh nghiệp. Ngay cả khi bạn không thích trở thành doanh nhân hoặc chủ doanh nghiệp thì ít nhất bạn sẽ là một người làm thuê xuất sắc và chuyên nghiệp với chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
5. Luôn theo đuổi những giấc mơ:
Các bạn sinh viên thân mến,
Nhìn lại về những năm tháng đã qua, tôi tin rằng, cuộc đời mình được dẫn dắt bởi những ước mơ. Khi còn nhỏ, tôi ước mơ lớn lên mình sẽ theo nghiệp của cha mẹ là làm giáo viên. Và bây giờ, trong cuộc sống bận rộn của mình, tôi đã dành nhiều thời gian để chia sẻ với sinh viên và học viên về khởi nghiệp, con đường làm giàu, quản trị công ty…
Những ngày đi làm đầu tiên, tôi ước ao được đi du lịch nước ngoài, để tìm hiểu về thế giới bao la xung quanh mình. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế gia đình và cá nhân không cho phép. Vậy là tôi đã đăng ký tham gia các cuộc thi mà giải thưởng là các chuyến đi du lịch. Vượt trên 10.000 người, tôi đã xuất sắc đoạt Giải Nhất Cuộc thi Thanh niên Việt Nam và thanh niên Châu Á bước vào thế kỷ 21 do Tàu Peace Boat và Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam tổ chức. Giải thưởng của tôi là một chuyến đi vòng quanh thế giới trên Tàu Hoà Bình trong 90 ngày qua 18 quốc gia.

Sau này, khi bắt đầu con đường kinh doanh, tôi mơ ước mình trở thành triệu phú đô la. Tôi không nghĩ có 1 triệu đô là là mình giàu có mà tôi coi đó là một thách thức. Tôi đã nỗ lực hết mình trong công việc, sống tích cực, cởi mở với mọi người, quan tâm đến khách hàng và yêu thương nhân viên cùng với quyết tâm luôn phấn đấu trở thành người giỏi nhất. Trời đã không phụ lòng người. Năm tôi 35 tuổi, tôi đã cầm được trong tay 1 triệu đô la Mỹ đầu tiên nhờ vào kết quả làm việc xuất sắc của mình.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động, tôi lại ước mơ: một ngày nào đó, tôi sẽ được điều hành một công ty niêm yết. Tên và thông tin về công ty của tôi sẽ được nhiều người biết đến. Chỉ là mơ ước vậy thôi bởi vì lúc đó, tôi còn đang làm việc tại một công ty quốc doanh. Không hiểu sao, dòng đời cuốn tôi đi, trải qua nhiều công việc và công ty khác nhau. Để hôm nay nhìn lại, tôi đang là thành viên HĐQT của 3 công ty niêm yết. Giấc mơ ngày xưa đã thành hiện thực!
Và trong sâu thẳm, tôi mong muốn sẽ có được những tác phẩm của riêng mình. Tôi muốn nhìn thấy tên mình trên bìa sách. Và bây giờ, tôi là tác giả của 2 cuốn sách. Trong đó, cuốn sách “ Hãy sống ở thể chủ động” đã bán được 15.000 bản và trở thành một trong những cuốn sách kỹ năng bán chạy nhất hiện nay. Tôi cũng đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn sách thứ 3 của mình.
Tôi nhận ra rằng, khi bạn có những ước mơ cháy bỏng, thôi thúc và bạn hăm hở bắt tay thực hiện nó, bạn sẽ tạo ra được một cuộc sống thú vị và có giá trị. Tôi cho rằng, hành trình cuộc đời của con người, chính là khám phá ra những năng lực và khả năng của bản thân.
6. Hành động, hành động, hành động!
“Kể cả khi không có sức mạnh lựa chọn điểm xuất phát, chúng ta vẫn có thể lựa chọn nơi mình muốn đến. Chúng ta vẫn có thể làm được nhiều điều!”
Đúng vậy. Dù hoàn cảnh hay vị trí hiện tại của bạn có thế không như ý muốn, thì điều đó cũng không quan trọng bằng việc bạn có định hướng thế nào và mong muốn điều gì cho tương lai của mình. Và điều cốt yếu nhất, bạn phải hành động. Vì chỉ có hành động mới từng bước đưa bạn đến nơi mình muốn. Chẳng phải nhiều người thành công và giàu có, lúc đầu cũng có điểm xuất phát rất thấp hay sao?
Cứ mạnh mẽ làm việc cần làm, hướng đến điều mình mong muốn và bạn sẽ thay đổi được số phận của mình. Con người hơn thua nhau không phải ở điểm xuất phát, mà là ở đích đến và cách để tiến nhanh về đích. Cứ hành động đúng định hướng, rồi bạn sẽ có được điều bạn muốn!
2I2C4710
Bạn muốn có được tình yêu? Hãy cho đi tình yêu.
Bạn muốn có được sự trân trọng? Hãy trân trọng mọi người.
Bạn muốn có được niềm vui? Hãy mang lại nụ cười cho những người bên bạn.
Bạn muốn có được thành công? Hãy giúp người khác thành công…
Sẽ vô vọng nếu bạn không Cho mà chỉ mong được Nhận! Tạo hoá vốn công bằng!
Jack Canfield đã chia sẻ: “Người thành công luôn duy trì sự tập trung tích cực vào cuộc sống bất kể điều gì đang diễn ra quanh họ. Họ tập trung vào những thành công hơn là những thất bại trong quá khứ. Họ tập trung vào các bước hành động kế tiếp, cần thực hiện để đưa bản thân mình tiến gần hơn đến việc hoàn thành các mục tiêu…”
Luôn luôn có cơ hội thành công và trở thành người có giá trị cho những ai không ngừng học hỏi và nỗ lực vươn lên. Cuộc sống vốn công bằng. Bạn sẽ nhận được những gì mình nỗ lực và cho đi. Hãy đừng bằng lòng với một cuộc sống buồn tẻ, làng nhàng mà hãy cố gắng hoàn thiện bản thân, dấn thân, trải nghiệm để sống một cuộc đời có ích.
Xin chúc tất cả các bạn trẻ ở đây sẽ trở thành những người có GIÁ TRỊ!
Một lần nữa, xin chia vui với thành tích ngày hôm nay của các bạn!
Trong năm 2016, Intel sẽ tập trung phát triển Internet of Things tại Việt Nam. Mọi công ty, cá nhân đều có thể tham gia vào các hoạt động này và nhận được sự hỗ trợ từ Intel.


Nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của Intel nằm tại Việt Nam. Ảnh: Internet

Hôm nay (12/1), Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Trần Đức Trung, Tổng giám đốc Intel Việt Nam. Tại buổi làm việc, Intel đã trao đổi với Thứ trưởng về những kế hoạch cũng như chiến lược của công ty tại Việt Nam trong năm 2016, đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ TT&TT.

Ông Trần Đức Trung cho biết trong năm nay, Intel sẽ tập trung phát triển Internet of Things tại Việt Nam. Mọi công ty, cá nhân đều có thể tham gia vào các hoạt động Internet of Things và Intel sẽ hết sức hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi. Công ty mong muốn phát triển cộng đồng Internet of Things tại Việt Nam, từ đó các công ty, cá nhân Việt Nam có thể tham gia vào cộng đồng, giao lưu và giới thiệu các giải pháp IoT ra nước ngoài, đặc biệt là đối tượng start-up của Việt Nam.

Ngoài ra, trong lĩnh vực giáo dục, Intel sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo để phổ cập tin học, tổ chức các cuộc thi ứng dụng CNTT. Một điểm đáng lưu ý là Intel sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và các công ty để triển khai giáo dục STEM (viết tắt của các từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Math - toán học). Giáo dục STEM về bản chất là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Như vậy, giới trẻ ngay từ cấp 1 đã có điều kiện tiếp cận với nền khoa học, có thể sáng tạo ứng dụng để đáp ứng trong thực tế, chẳng hạn các ứng dụng về môi trường. Các em học sinh cũng có thể tự lập trình ra giải pháp, ứng dụng IoT, Intel sẽ đưa các em vào các cuộc thi toàn cầu. Trong năm qua, Intel đã tổ chức ngày hội STEM đầu tiên tai Hà Nội và sắp tới công ty đang phối hợp để tổ chức ngày hội STEM tại TP.HCM.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Bộ TT&TT rất hoan nghênh các hoạt động của Intel tại Việt Nam, cũng như nỗ lực hợp tác chặt chẽ nhằm đổi mới giáo dục, ứng dụng IoT. Thứ trưởng cũng lưu ý Intel cung cấp các giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, cụ thể hóa những kế hoạch hợp tác và kinh doanh tại Việt Nam.



B.B
Theo ITCnews
Thử nghĩ xem, rốt cục đi làm có phải là lựa chọn của bạn hay không?

Kết thúc quãng đời sinh viên, bỏ lại những tháng năm vô tư của tuổi trẻ, chúng ta lao đầu vào một cuộc chiến mới, cuộc chiến sinh tồn với cuộc đời mang tên "Việc làm". Người may mắn rải đơn được nhà tuyển dụng để ý, kẻ lại có người thân quen giúp đỡ, số còn lại phần đông vẫn nheo nhóc đầy đường, trật trầy trên con đường tìm việc.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng thỏa mãn với công việc của mình. Đôi lúc có sự mệt mỏi, đôi lúc cảm thấy đi làm như một gánh nặng, nhìn lại bọn bạn đứa nào đi làm về cũng tấp tíu ríu rít, có những đứa lại còn ở lại văn phòng suốt đêm, hồ hà hồ hởi làm việc trong sự sung sướng.
Ấy thế là, cùng là những đứa may mắn có việc, vậy mà tại sao lại khác nhau thế?
Suy cho cùng, mình đang ĐƯỢC ĐI LÀM, hay BỊ ĐI LÀM? Có việc làm là may mắn, nhưng có phải ai cũng muốn có được may mắn ấy không, hoặc giả, may mắn ấy liệu có đang phù hợp với họ?
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 1.
Xem qua bộ ảnh sau, bạn có xác định được việc mình đang ĐƯỢC đi làm, hay là đang BỊ đi làm không.
1. Cơ hội thăng tiến

Vốn dĩ những người không muốn đi làm sẽ chẳng có tâm trí gì để cố gắng hay được thăng tiến trong công việc. Đi làm đối với họ đơn giản chỉ là một nhiệm vụ trong ngày cần phải làm, cũng chỉ cần "qua bàn" chứ không cần phải đầu tư quá nhiều công sức. 

Cũng bởi vậy, họ coi cơ hội thăng tiến không phải do mình tạo ra, mà là do cấp trên "rải" xuống, thế nên cách tốt nhất để tiếp cận cơ hội là thông qua ông sếp. Dần dà, tự họ biến thành những Hoà Thân thời hiện đại lúc nào chẳng hay.
2. Thay đổi trong công việc
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 3.
Người lười không thích sự thay đổi, kẻ chăm thấy thay đổi là mừng. Chỉ cần có một chút biến động trong công việc, giả sử như được giao nhiệm vụ mới chẳng hạn, bạn sẽ thấy ngay những người không có tâm trí muốn đi làm sẽ nhăn mặt nhíu mày, nói thì hơi ngoa nhưng giống như khỉ ăn thắng cố vậy.
3. Làm thêm giờ
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 4.
Tôn chỉ của người ghét đi làm là ghét luôn mọi thứ liên quan đến việc làm-ngoài-giờ. Ngay khi tan sở, mọi cuộc điện thoại có liên quan đến công việc sẽ rơi vào tình trạng "thuê bao hiện không liên lạc được ngay". Có thêm tiền thì nói chuyện, không có thì dẹp, thời gian là vàng bạc, mà giờ vàng đang có giá.
Tuy nhiên, không chịu làm thêm giờ nhưng họ cũng chẳng vừa. Đến cơ quan thì tranh thủ muộn ít phút, ăn cơm trưa lấn vài phút, đi về thì lại nhâng nháo sớm độ chục phút, bấy nhiêu cũng làm họ hả hê.
4. Deadline
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 5.
Tôi đồng ý, Deadline là con yêu quái kinh dị nhất, kể cả bạn có thích làm việc hay không. Nhưng cái cách mà bạn đối diện với deadline mới nói lên sự tâm huyết mà bạn dành cho công việc.
Thật, tranh thủ làm sớm, xong sớm rồi chơi có sao đâu. Sếp yêu, đồng nghiệp quý, lại được đi thụ hưởng lễ vật sau giờ làm. Được là ngôi sao, ai chả thích.
5. Đồng nghiệp
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 6.
Nhiều khi thích đi làm không phải chỉ là vì yêu công việc, muốn thăng tiến hay đơn giản chỉ là "đi làm cho bố mẹ đỡ ngứa mắt". Thích đi làm đôi khi cũng chỉ vì sự yêu mến với những con người ở chỗ làm mà thôi. 
Đến cơ quan buổi sáng, làm việc cùng nhau, nhìn nhau chán lại dắt nhau đi ăn trưa. Ăn trưa xong ngồi cà phê trà đá tán dóc, nói xấu một ông đi đường có quả tóc súp lơ xanh quá hạn 3 tháng. Tối về hò nhau đi hát, đi bar, đi làm mà có toàn "bạn tốt" như thế, ai mà muốn nghỉ làm, nhỉ?
6. Chuyện làm, chuyện nghỉ
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 7.
Đã bao giờ bạn lâm vào tình cảnh 8 tiếng ngồi công sở dài tựa ngàn cái sinh nhật trôi qua, cảm thấy đang chôn vùi tuổi trẻ trên bàn giấy và ghế dựa trước mặt vài ba ông sếp? Rồi 2 ngày nghỉ trôi qua, bạn lại ngao ngán với một tuần làm việc mới?
Đó là vì bạn ghét đi làm, thế cho nhanh.
Ai mà coi được đi làm là một ân huệ, họ sẽ trân quý từng phút trên công ty. Ầm ầm làm việc, xong việc thì cuối tuần chơi chán chê mê mỏi, rồi lại hừng hực khí thế để tiếp tục tuần làm việc mới. Tuổi trẻ là tuổi kiếm tiền hưởng thụ, nhớ nhé, kiếm tiền rồi mới hưởng thụ, chứ không phải chỉ có hưởng sướng không thôi.
7. Lương lậu
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 8.
Ai bảo lương không quan trọng? Đi làm mà không có lương đố anh chị nào dám làm đấy!
Nhưng kể thì, lương quan trọng thật đấy, nhưng kinh nghiệm làm việc và môi trường làm việc cũng là những yếu tố quan trọng trong sự thúc đẩy ham muốn đi làm của bạn. Lương thấp hơn chỗ khác một tí nhưng nếu nhiều cơ hội thử sức, xung quanh có sếp chỉ dẫn đồng nghiệp hỗ trợ thì đấy mới là nơi làm việc đủ "sướng".
8. Khi công ty bị nói xấu
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 9.
Bạn có cảm thấy khó chịu khi công ty bị nói xấu không? Nếu có, chúc mừng bạn đã là một con người trân trọng công việc mình đang làm. 
Đơn giản, đàm tiếu về công ty mình đang làm cũng chính là đang đàm tiếu về mình mà. Người thì ai chả ghét bị nói xấu, chứ cũng chẳng có lý do gì quá thanh cao đâu.
9. SẾP
Bạn là người ĐƯỢC đi làm, hay kẻ BỊ đi làm? - Ảnh 10.
Sếp là một thế lực, công nhận, còn là thế lực hắc ám hay quang minh thì tuỳ vào việc bạn coi trọng công việc của mình đến nhường nào. 
Người bị ép đi làm chẳng thích sếp đâu, vì sếp hay "hoá thú", hay nổi cơn thịnh nộ yêu ma, thế nên họ né tiệt. Ai dại mà dây với cọp. Hôm nào xấu trời bị sếp hành thì kiểu gì bà cấp trên cũng biến thành chủ đề xuyên tạc trên từng nắm hướng dương, từng ngụm trà đá.
Theo Kênh 14