tháng 8 2015
Giới từ làm chức năng nối liền danh từ ( hoặc từ tương đương với danh từ - noun equivalent) với  một thành phần khác của câu. Theo thống kê, hiện nay tiếng anh có khoảng 70 giới từ đơn (chưa kể các giới từ kép).
Giới từ và cách sử dụng giới từ trong tiếng anh
Giới từ và cách sử dụng giới từ trong tiếng anh

Một giới từ thường được theo sau bằng một cấu trúc danh từ. Cả hai họp thành cụm giới từ. Những cụm giới từ thường đóng vai trò như tính từ hay trạng từ, nên chúng có thể bổ nghĩa cho các danh từ, động từ hoặc vài thành phần khác trong câu. Danh từ hay tương đương của danh từ đi ngay sau giới từ gọi là bổ nghĩa của giới từ.

- The book is on the table
Cuốn sách ở trên bàn

Giới từ on nối liền danh từ table với danh từ book và trả lời câu hỏi:
"Cuốn sách ở trên cái gì" - "trên bàn" nên table là bổ nghĩa của on và on là giới từ có nhiệm vụ giới thiệu danh từ table.

Cách sử dụng các giới từ about, on, above và over

1. Vị trí của giới từ

- Giới từ thường đứng trước danh từ (hay tương đương của danh từ) làm bổ ngữ cho nó.
- David spoke to his sister
David nói với em gái anh ta

- Helen is living below his room
Helen đang sống bên dưới phòng của anh ấy.

- They look through the window
Họ nhìn qua cửa sổ

- Khi các danh từ hay đại từ đi với giới từ trong thể nghi vấn (interrogative) thì giới từ thường đứng cuối câu.

- Where do they come from?
Họ đến từ đâu?

- Whom is he looking for?
Anh ấy đang tìm ai thế?

Khi bổ ngữ cho giới từ là một đại từ liên hệ (relative pronoun) thì trong văn thường, người ta hay để giới từ ở cuối câu.

- The student I spoke to. ( Trong văn viết là: The student to whom I spoke).
Người sinh viên mà tôi nói chuyện với.

- The college I studied in ( Trong văn viết: The college in which I studied)
Trường đại học nơi mà tôi nghiên cứu.

Những điều cần lưu ý khi giao tiếp bằng tiếng anh

2. Sử dụng giới từ:

Tuy số lượng giới từ không nhiều nhưng có thể nói nó xuất hiện trong hầu hết các câu tiếng anh và gây khó khăn không ít cho người nước ngoài khi sử dụng anh ngữ.

Cùng một giới từ mà ngữ nghĩa ở mỗi câu, mỗi trường hợp một lại khác nhau.
Giả dụ như giới từ in trong những câu sau:
(1) Mr. Smith worked in his office.
Ông Smith làm việc trong văn phòng của ông ta.

(2) The Children are playing in the street.
Những đứa trẻ đang chơi trên đường phố.

(3) We live in a small town in Vietnam.
Chúng tôi sống tại một thị trấn nhỏ ở Việt Nam.

(4) He thrown an old book in the fire.
Anh ta ném quyển sách cũ vào trong đám lửa.

(5) In Spring leaves begin to grow on the trees.
Về màu xuân, lá bắt đầu mọc trên cây.

(6) John is swimming in the driver.
John đang bơi dưới sông.

Và còn rất nhiều ví dụ khác. Nhưng với 6 câu mà đã có 7 nghĩa của giới từ in là: trong, trên, tại, ở, vào, về, và dưới...Những người mới học tiếng anh đâm ra lúng túng. Cách tốt nhất là tra từ điển rồi sử dụng nhiều lần cho quen hoặc dịch theo ngữ cảnh.

Một nhận xét của các nhà ngôn ngữ học về các trường hợp trên là do người Anh nhìn sự việc một cách khách quan. Khi đề cập đến người hay vật nào, họ để người hay vật đó làm trung tâm mà phán đoán sự việc. Ngược lại, người Việt Nam chúng ta nhìn và phán đoán sự việc theo cách chủ quan của mình, luôn lấy mình làm trung tâm để nhận xét, Cho nên, với người Anh thì: chơi "trong" đường phố; sống "trong" một thị trấn nhỏ "trong" nước Việt Nam; bơi "trong" sông... Trong khi đó, người Việt nhìn sự việc tùy theo chỗ đứng của mình. Nếu ở trong nhà mà nhìn ra thì nói là: những đứa trẻ chơi "trên" đường phố; ở trên bờ sông nhìn xuống thì nói là họ đang bơi "dưới" sông; đứng bên cạnh đám lửa thì nói: ném đồ "vào" lửa.....

Trọn bộ giới từ tiếng anh thông dụng nhất

3. Xác định bổ ngữ của giới từ

Một giới từ bao giờ cũng có bổ ngữ theo sau. Rất nhiều thí dụ ở trên cho thấy bổ ngữ quan trọng và nhiều nhất của giới từ là danh từ.
- Đại từ theo sau giới từ

- She received the money from him
Cô ấy nhận tiền từ anh ta

- This is the lawyer to whom I spoke
Đây là vị luật sư mà tôi đã nói chuyện.

- Bổ ngữ là một danh động từ (gerund) hoặc động từ nguyên mẫu (infinitive): khi một động từ được đặt ngay sau giới từ thì hình thức danh động từ được sử dụng.

- I am tired of waiting
Tôi mệt mỏi vì đợi chờ
Ngoại trừ 2 giới từ but (ngoài ra, trừ ra) và except (trừ ra, không kể) được theo sau bằng một động từ nguyên mẫu (infinitive) không "no".

- They did nothing but complain.
Họ không là gì cả mà chỉ kêu ca

- I would do anything for her except eat what she cooks.
Tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì giúp cô ta ngoại trừ việc ăn những gì mà cô ta nấu.

Nhưng nếu động từ theo một giới từ chỉ mục đích thì động từ đó ở nguyên thể có "to".

- He worked in summer in order to save money for college.
Anh ấy làm việc trong những mùa hè để dành tiền vào đại học.

- Bổ ngữ cho giới từ là một trạng từ.

- You said you would love me for ever
Anh đã nói là sẽ yêu em mãi mãi

- I have not seen her till now.
Cho đến giờ tôi mới gặp cô ấy.

- Bổ ngữ là một cụm từ (phrase)

- He conducted the experiment according to scientific principle
Anh ấy hướng dẫn cuộc thí nghiệm theo các nguyên tắc khoa học.

- We delayed our departure on account of the bad weather.
Chúng tôi đã hoãn việc xuất hành do thời tiết xấu.

- Bổ ngữ là một mệnh đề

- Mr. Smith tells me of what will happen next.
Ông Smith nói cho chúng tôi về những gì sẽ xảy ra tiếp đó.

- She is talking about how they escaped the prison.
Cô ấy đang nói về cách thức mà họ đã vượt ngục.

Mệnh đề quan hệ rút gọn - Reduced Relative Clauses

4. Sự lược bỏ giới từ

Chúng ta có thể lược bỏ giới từ to và for trước những bổ ngữ gián tiếp (indirect objects).

- I gave a pen to David
Tôi cho David cây viết.

Câu này có bổ ngữ: một bổ ngữ trực tiếp là "a pen" và một bổ ngữ gián tiếp là David. Để lược bỏ giới từ to, chúng ta đặt bổ ngữ gián tiếp trước bổ ngữ trực tiếp và viết lại như sau: I gave David a pen.

- He will find a job for Dorothy.
Anh ấy sẽ kiếm cho Dorothy một việc làm.

Ta có thể lược bỏ giới từ to có thể dùng sau các động từ: take, bring, give, send, lend, promise, pay, offer, hand, pass, throw, tell, show, sing, play, tell.

Cấu trúc lược bỏ giới từ to có thể dùng sau các động từ: get, find, keep, reserve, book make, build, knit, buy, order, fetch.

Việc không dùng giới từ tofor sau những động từ trên rất thông dụng. Tuy nhiên, nếu bổ ngữ trực tiếp cho những động từ đó là đại từ thì ta không được lược bỏ. Ta có thể nói "He offered the job for John "hoặc "He offered John the job" (Anh ấy đã đề nghị cho John làm việc đó). Nhưng với câu "He offered it for John" thì không thể đổi để bỏ for được vì sau động từ offered là đại từ it.

Giới từ for cũng thường được lược bỏ trong những cụm từ về khoảng thời gian.

- He stayed there (for) two months.
Anh ấy đã ở lại đó 2 tháng.

- The snowy weather lasted (for) the whole time they were here.
Thời tiết đầy tuyết phủ kéo dài trong suốt thời gian họ ở đây.

Đặc biệt, với những cụm từ bắt đầu bằng all thì giới từ for hầu như bị bỏ hẳn.

- We stayed there all week. (không dùng: for all week)
Chúng tôi đã ở lại đó cả tuần.

Tuy nhiên, trong những trường hợp khác thì không thể bỏ for.

Cách dùng câu điều kiện trong tiếng anh - Conditional Sentences

5. Những lỗi thường gặp khi dùng giới từ

- Lẫn lộn giữa giới từ và trạng từ: hai từ loại này thường có hình thức giống nhau. Do đó, để phân biệt, ta phải căn cứ vào chức năng của chúng trong câu. Cái dễ nhận diện nhất là: giới từ bao giờ cũng có một bổ ngữ là danh từ (hoặc tương đương danh từ) đi theo, còn trạng từ thì không có bổ ngữ.

- They run up the stairs
Họ chạy lên cầu thang

- You can park your car outside the office.
Anh có thể đậu xe bên ngoài văn phòng.

Up là giới từ vì có bổ ngữ là upstairs. Tương tự, outside là giới từ vì có bổ ngữ là danh từ the office.

- He stand up for asking a question
Anh ấy đứng dậy để đặt một câu hỏi.

- The boys are playing outside
Đám con trai đang chơi bên ngoài.

Up là trạng từ vì làm bổ ngữ cho động từ stands. Tương tự, outside cũng là trạng từ vì làm bổ ngữ cho động từ are playing.

- Một số động từ thường có một "giới từ đặc trưng" theo sau, không phải đó là quy định ,mà là những nhà văn và diễn giả nổi tiếng sử dụng chúng như thế. Thí dụ tính từ capable (có khả năng, có tài) được họ dùng với giới từ of như trong câu dưới đây:

- He is capable of better work than this
Anh ấy có đủ tài năng để làm công việc tốt hơn công việc này.

Sử dụng các giới từ khác thay cho of (thí dụ như "capable to") khiến câu văn trở nên vụng về. Một khi nghi ngờ gì về một giới từ đi theo một từ khác hoặc ngữ nghĩa có thể thay đổi thì chúng ta cần phải tham khảo từ điển.

- Dùng 2 giới từ cùng lúc và cạnh nhau: điều này không cần thiết. Trong hầu hết các trường hợp, chỉ cần một giới từ là đủ.

- She walked around by the fence (sai)
- She walked around the fence. (đúng)
- She walked by the fence. (đúng)
Cô ấy đi bộ quanh gần hàng rào.
Tiếng anh được người Mỹ sử dụng ngày một "biến dạng" để hình thành American English, tức tiếng anh của người Mỹ hay gọi ngắn là tiếng Mỹ, để phân biệt với tiếng Anh chính gốc British English. Tuy có một số dị biệt nhưng những người nói tiếng anh trên thế giới dễ dàng hiểu nhau và hiện nay, tiếng Mỹ đã ảnh hưởng ngược trở lại với tiếng Anh hiện đại. Dưới đây là một số biệt dị đó:
Phân biệt cách sử dụng tiếng anh giữa Anh-Anh và Anh-Mỹ
Phân biệt cách sử dụng tiếng anh giữa Anh-Anh và Anh-Mỹ

1. Từ vựng:

Về mặt từ vựng thì có rất nhiều khác biệt. Thỉnh thoảng, cùng một từ nhưng người Anh dùng với nghĩa này, người Mỹ dùng với nghĩa khác, thậm chí trái ngược với nhau; chẳng hạn như động từ table với người anh thì có nghĩa: đệ trình (một báo cáo, đề xuất...) để đưa ra thảo luận, trong khi người Mỹ dùng động từ này với nghĩa ngược lại: hoãn lại để bàn sau. Một điểm khá phổ biến về từ vựng nữa là, người Anh và người Mỹ dùng những từ khác nhau để ám chỉ đến một sự vật, một việc..., thí dụ như để diễn tả cái thang máy, người Anh dùng lift, người Mỹ dùng elevator; để chỉ hành động đứng sắp hàng, người Anh nói queue, còn Mỹ stand in line...

Ngoài ra, một số ngữ nghĩa của các cụm từ, thành ngữ cũng có khác biệt, chẳng hạn như, người Anh nói "live in A street" còn người Mỹ "live on A street", người dùng "in a team" trong khi người Mỹ "on a team"...

Mệnh đề quan hệ rút gọn (Reduced Relative Clauses)

2. Chính tả:

Về cách viết, cách đánh vần (spelling), rất nhiều từ tiếng Anh tận cùng bằng "-our" thì người Mỹ viết thành "-or" như labour (Anh), labor(Mỹ), honour(Anh); một số tận cùng bằng "-re" thì người Mỹ dùng "-er" như metre(Anh), meter(Mỹ),centre(Anh), center(Mỹ). Nhiều động từ tiếng anh tận cùng bằng "-ise" thì người Mỹ viết thành "-ize"; một số từ tiếng anh có 2 chữ "l" trong khi người Mỹ chỉ dùng một chữ...
Riêng mình thì mình thích cách viết của người Mỹ hơn đơn giản là vì họ có xu hướng đơn giản hoá đi các từ thay vì phải viết dài dòng và nguyên tắc như người Anh.

Mạo từ a/an/the và cách sử dụng mạo từ trong tiếng anh

3. Ngữ pháp

Dưới đây là một số dị biệt quan trọng về sự khác nhau trong ngữ pháp giữa anh anhanh mỹ
Người Anh dùng thì present perfect (hiện tại hoàn thành) để diễn tả một hành động vừa mới xảy ra, trong khi đó thì người Mỹ lại sử dụng thì simple past(quá khứ đơn).
Ví dụ:
1. Michael has just called (Anh)
Michael just called (Mỹ)
2. She's just gone out (Anh)
She just went out (Mỹ)
Việc dùng trợ động từ do với have, người Anh dùng do trong câu hỏi khi nói về một thói quen hoặc hành động lặp lại; còn người Mỹ dùng trợ động từ do không giới hạn.
- Have you got a meeting today? (Anh)
- Do you have a meeting today? (Mỹ)
(Hôm nay bạn có cuộc họp không?)

Nếu để hỏi là "có thường hay họp không" thì người Anh mới dùng do "Do you often have meetings?"
Khi dùng các động từ về những giác quan như see,hear, smell, feel...để diễn tả những gì mình đang tri giác, cảm nhận, người Mỹ sử dụng đơn giản như :I see...", "I hear...", trong kh người dùng thêm trợ động từ can đứng trước các động từ này "I can see...", "I can hear..."

Một số động từ người Anh xem là động từ quy tắc (regular verb) ở hình thức quá khứ, trong khi người Mỹ thì xem là động từ bất quy tắc (irregular verb). Thí dụ: Quit là động từ quy tắc ở anh vớ hình thức quá khứ và quá khứ phân từ là quitted, trong khi ở Mỹ lại là động từ bất quy tắc (quit-quit-quit). Ngược lại, một số động từ người Mỹ xem là quy tắc thì người Anh xem là bất quy tắc. Chẳng hạn như, động từ learn người Mỹ dùng hình thức quá khứ và phân từ quá khứ là learned, trong khi người Anh xem là động từ bất quy tắc với hình thức quá khứ và phân từ quá khứ là learnt. Ở Anh, hình thức quá khứ và phân từ quá khứ với chữ "-t" tận cùng là khá thông dụng, như với các động từ: burnt, dreamt, leant, smelt....trong khi người Mỹ dùng hình thức "-ed" của động từ thường: bured, dreamed, learned, smelled...

Người Mỹ dùng hình thức phân từ quá khứ của get là gotten ngoại trừ trong cấu trúc "have got".
- Have you got a ticket?
Anh đã có vé chưa?

Với người Anh, những danh từ số ít nhưng ám chỉ đến một nhóm người như: committee (ủy ban), team(đội), government(chính phủ), club(câu lạc bộ), family(gia đình)....có thể dùng động từ ở hình thức số ít hoặc số nhiều đều được. Những đại từ dùng thay cho các danh từ này cũng có thể là số ít hay số nhiều. Trong khi đó, người Mỹ thường dùng động từ số ít đi với danh từ nói trên, còn đại từ thay thế có thể dùng ở số nhiều.
Thí dụ:
- The football team is in Los Angeles. They have a good chance of winning.
Đội bóng hiện ở Los Angeles. Họ có cơ may giành chiến thắng.

Khi nói chuyện qua điện thoại, người Anh dùng this để xưng danh tính mình và dùng that để hỏi về người đối thoại.
- Hello. This is David. Is that Michael?
Xin chào. David nghe đây. Có phải Michael đó không?
Còn người Mỹ thì dùng this để hỏi về người nghe.
- Who is this?
Ai đây?

5 mẹo giúp bạn có một vốn từ vựng phong phú

4. Phát âm

Không kể giọng nói khác biệt tùy theo từng khu vực địa lý cả ở Anh lẫn Mỹ, người Anh và người Mỹ còn có một số dị biệt quan trọng trong cách phát âm:
Phân biệt cách sử dụng tiếng anh giữa Anh-Anh và Anh-Mỹ
Khác biệt trong cách phát âm Anh-Anh và Anh-Mỹ

Người Anh có hơn người Mỹ một nguyên âm. Đó là cách đọc âm o trong các từ như got, stop, lost, dog... Với người Mỹ, họ phát âm hoặc như âm "a" trong father, hoặc âm "au" trong caught.
Với người Mỹ, hai âm t và d được phát âm nhẹ và giống như âm d giữa 2 nguyên âm. Chẳng hạn, họ phát âm 2 từ writer và rider giống nhau, trong khi người Anh phân biệt rõ ràng âm t và d.

Nguyên âm u trong một số từ sau đây người Mỹ đọc khá khác người Anh: duty, illminate, enthusiastic, tune...

Những từ tận cùng bằng "ile" nằm trong âm tiết không nhấn mạnh thì người Anh phát âm là /ail/ trong khi người Mỹ phát âm chỉ /l/ thôi. Chẳng hạn như từ missile, âm cuối người Anh đọc giống như tile, trong khi người Mỹ đọc âm cuối của turtle.

Những điều cần lưu ý khi giao tiếp bằng tiếng anh
Cách đây gần 100 năm, những cuốn sách giáo khoa quốc ngữ đầu tiên chính thức ra đời, được dạy song song với tiếng Pháp trong các trường. Ở bậc tiểu học, ông bà ta sẽ được học 2 cuốn là Quốc Văn Giáo Khoa Thư và Luân Lý Giáo Khoa Thư.
Tiểu học thời đó chia thành các lớp Đồng Ấu, Dự Bị, Sơ Đẳng. Nội dung được biên soạn khá nhẹ nhàng. Tony từng đọc những cuốn sách này ở tủ sách gia đình từ lúc rất bé, và có lẽ bị ảnh hưởng tư tưởng này nên phong cách thư thái nhẹ nhàng, gương mặt thanh tú và trẻ trung miết...
Các bạn đọc thử 1 bài trong sách Luân Lý Giáo Khoa Thư để xem ông bà mình hồi xưa học hành thế nào nhé. Sách này đã được NXB Trẻ thuộc thành đoàn tp HCM biên tập lại cho phù hợp và xuất bản, được nhiều người đón đọc, đặc biệt là Việt Kiều sống xa tổ quốc, dù con cái học ở trường bản xứ nhưng ban đêm về, họ vẫn đem 2 cuốn sách này ra để dạy cho con. Nên đây là món quà quý khi tặng Việt Kiều có con nhỏ.
Các bạn cũng có thể mua lại để đọc, vì rất là thú vị, lời lẽ dễ thương, mộc mạc, đọc mà bình yên đến nao lòng...
Thành lập ở Cali vào năm 1963, hệ thống cà phê The coffee bean (and tea leaf) trở thành 1 trong những công ty tư nhân lớn nhất thế giới. Với giới sành điệu cà phê thì chất lượng cà phê ở đây là đẳng cấp nhất so với các hệ thống còn lại. Bí quyết của họ chính là hạt cà phê hái bằng tay, lựa quả chín mà thôi. Tất cả đều là loại Arabica của châu Phi và Nam Mỹ (rất tiếc là chưa cà phê của châu Á nào lọt vô tiêu chuẩn của họ), được trồng trên cao độ 1000m trở lên. Các bạn có thể nghiên cứu kỹ trang web của họ để hiểu rõ và tự tìm con đường đi cho mình.
Tuy nhiên, bí mật lớn nhất để cà phê của The coffee bean trở thành thượng hạng chính là việc họ rang vào mỗi buổi sáng, trước khi đem giao cho các cửa hàng thuộc hệ thống. Cách rang của họ là air roasting, tức bằng không khí nóng, để dầu tự nhiên có trong hạt cà phê chảy ra ngoài, tạo mùi thơm.
Các bạn học cơ khí điện tử thử tìm hiểu chế tạo cái máy này nhé. Có thể sx quy mô nhỏ để bán cho các gia đình, hoặc lớn hơn thì bán cho quán.
Từ hạt màu xanh đậm, sau khi rang sẽ biến thành màu nâu đẹp và bóng tự nhiên, chứ không phải cố tình bỏ bơ, dầu ăn hay mỡ gà gì nhé.
Nếu các bạn gọi thử một ly Americano nóng, bạn sẽ cảm nhận hết sự thượng hạng, ngon hay không ngon của loại cà phê đó, của cách chế biến đó.
Một bạn con dượng ở Cần Thơ kể, bạn qua Mỹ du học, vô một quán starbucks. Đứng xếp hàng cả buổi mới tới lượt, nhìn lên chi chít các loại thức uống, bạn thấy rẻ nhất là món America Today chỉ có 1.5 usd, cái bạn gọi liền, for me, one America Today please. Các phục vụ thoáng chút ngỡ ngàng, thu tiền, xuất bill rồi đưa bạn tờ báo.
Hoá ra, America Today là tờ báo, còn Americano mới là cà phê pha kiểu Mỹ. Bạn cũng quê quê, nhưng hổng lẽ lại đứng đó gọi nữa trong khi 1 hàng dài đang xếp phía sau. Bạn bèn cầm tờ báo ra đứng đọc 1 chút rồi qua quán bên cạnh....lần này rút kinh nghiệm, đứng xa xa đọc drink list trước.
Thèm cà phê muốn chết mà bắt đọc báo, đúng là nước Mỹ.
Có nhiều bạn trẻ tới gặp Tony và kể, con thi ĐH 29 điểm đó dượng, hoặc con giải nhất quốc gia môn Lý, rồi con từng chung kết đường leo lên đỉnh Bà Nà, rồi con thủ khoa đầu ra của ĐH X, rồi con giải nhất cuộc thi khởi nghiệp, con có bằng IElTS 8.5, con có bằng thạc sĩ, con có bằng tiến sĩ... Nhưng Tony chỉ nói là bạn có thành tích tốt, bây giờ cái cần là có thành tựu. Thành tựu mới là cái đáng quý. "Nền giáo dục chạy theo thành tựu" là mốt mới của giáo dục hiện đại, bắt đầu từ nước Đức, sau đó là Thuỵ Sĩ, rồi Israel. Các nước đang khăn gói sang Đức để học mô hình này, điển hình là Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Srilanka, UAE.
Thế các bạn hỏi thế thành tựu là gì. Giáo dục hướng đến thành tựu là sao. Các bạn có thể hiểu nôm na như vầy, thành tựu là cái gì đó tạo ra mới, người khác có thể sử dụng được hoặc hưởng lợi từ thành tựu đó.
Ví dụ xếp loại xuất sắc, giỏi, tiên tiến, thi toán thi sinh thi hoá các cấp đoạt giải này giải kia, tức gọi là học sinh có thành tích học tập. Trường đó 99.99% đỗ tú tài, 66.66% đỗ đại học, 33.33% tìm được việc làm chẳng hạn, thì trường cấp 3 đó có thành tích tốt. Nhưng chuyển qua thành tựu, thì bạn học sinh đó chỉ được xem là giỏi khi phát minh ra được các đồ dùng học tập mới, phương pháp học tập mới. Các bạn mày mò ra các sáng kiến dạy và học, chứng minh được thuyết tiến hoá của Đác Uyn là sai, tìm ra được hạt nhỏ hơn hạt nano gì đó mà chúng ta từng biết thì mới là học sinh xuất sắc. Thành tựu của ĐH hệ hàn lâm là các bài báo khoa học quốc tế, các luận văn luận án ứng dụng đem lại hiệu quả kinh tế xã hội, các lý thuyết mới ra đời nhằm giúp con người nhận thức sâu hơn về một lĩnh vực gì đó. Thành tựu của ĐH hệ thực hành là những chiếc máy móc, những loại hoá chất vật liệu mới, bài hát mới, giai điệu mới, bức tranh mới, kiến trúc mới, cách chữa trị bệnh mới, cách giảng dạy mới....tức ngành gì cũng đều có thành tựu.
Thái Lan hiện có khoảng 150 ĐH cao đẳng, 1/2 trong đó là trường tư. Thực tế học sinh tốt nghiệp tú tài xong cũng chỉ muốn vào các ĐH danh tiếng, chỉ khoảng 30 trường. Người Thái vừa học tập mô hình Đức nên chuyển đổi 30 trường này thành các trường hệ hàn lâm, chuyên nghiên cứu. Các trường còn lại, họ chuyển thành trường ĐH thực hành, bằng cấp vẫn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ...như nhau, nhưng một bên là ra lý thuyết và vĩ mô, một bên là ra công trình thực tế và vi mô. Nếu ghi chữ ĐH dân lập hay cao đẳng nghề sẽ khó tuyển sinh, nên đổi tên thành trường thực hành. Ví dụ lĩnh vực kinh tế, sẽ giữ lại vài trường tốp để nghiên cứu lý luận, chính sách, đào tạo các quản trị viên....còn hệ thực hành sẽ chuyên ví dụ nghiệp vụ kế toán, tài chính, xnk, quản lý phân xưởng, quản đốc nhà máy...
Ở Đức, nếu bạn chọn học ở trường hàn lâm, bạn phải mãi đũng quần trong thư viện hay phòng thí nghiệm để có công trình nghiên cứu. Đọc hàng ngàn cuốn sách, làm hàng ngàn thí nghiệm. Còn nếu bạn học ở trường thực hành, bạn buộc phải có 1-2 ngày trong tuần đi thực tập làm việc ở nhà máy xí nghiệp bệnh viện trường học nông trường....tuỳ theo ngành nghề chọn học. Và được đơn vị tiếp nhận đó trả lương bằng 1/3 lương chính thức. Nên cái đặc biệt của nền giáo dục này là tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Tỷ lệ thất nghiệp ở Đức thường bằng 1/4 so với các nước châu Âu khác, chủ yếu là do các bạn tự khởi nghiệp, lu bu quá mà quên báo lại, nên trường tưởng là sinh viên đó thất nghiệp.
Sinh viên Đức quan niệm, khi ra trường, tự mình tích luỹ mua xe hơi, mua nhà...đó chính là thành tựu. Làm nghề gì cũng phải thật giỏi để có thể kiếm được tiền, vẽ tranh hay ca sĩ, võ sĩ hay đá bóng, làm móng tay hay thợ hàn...cứ giỏi là có thành tựu. Còn hưởng thừa kế thì không phải, chỉ là trời xui đất khiến sao sinh vô nhà người giàu có ấy, của cải không phải tự họ tạo ra thì chỉ là người tầm thường. Thừa kế không phải là năng lực, hẻm lẽ có năng lực thừa kế?
Đam mê kinh tế, thì phải trở thành ông chủ xí nghiệp nhà máy gì đó mang tên mình. Ví dụ mình xuất thân từ Thái Nguyên, lên Hà Nội học ĐH kinh tế, phân tích bao nhiêu cái chỉ tiêu ROI, lập bao nhiêu dự án khả thi...thì hãy về Thái Nguyên mà khởi nghiệp với cây trà. Vật lộn chiến đấu với khó khăn, thách thức...cuối cùng cũng xây được nhà máy chế biến trà lên men mang tên mình, nhà máy Trần Huệ Ngọc Huyền chẳng hạn. Đó mới là người giỏi, chứ giải nhất toán toàn tỉnh ngày xưa, thủ khoa ĐH chỉ là thành tích, quá khứ chỉ là hoài niệm cho vui, Huyền nhé. Tốt nghiệp ĐH ngoại thương, thì giúp doanh nghiệp mở thêm 5 thị trường xuất khẩu mới, 5 ngành nghề xuất khẩu mới.
Đam mê cơ khí, thì suốt 4.5 năm ở khoa Cơ khí ĐH Cần Thơ, bạn Nam đã chế tác ra được 2 máy gặt lúa, 3 máy gieo sạ, 5 máy phun thuốc trừ sâu cao áp...thì đó là thành tựu của bạn Nam. Trong 6 năm ở ĐH Y dược, bạn Tuyết đã phát minh ra cách mổ mới, cách cầm dao theo trường phái à-la Tôn nữ Tuyết Tuyết chẳng hạn, vừa hát ả đào "hồng hồng tuyết tuyết" vừa mổ để khỏi tiêm thuốc mê. Hoặc trong 4 năm học ngành may mặc ở ĐH thực hành Cà Mau, bạn Mỹ đã thiết kế được quần bơi chế tác từ sợi có khả năng tự hoại, xuống biển bơi một lúc là nó hoà tan vào sóng biển...
Bạn trẻ thân mến. Mình không qua Đức học từ bé được, thì mình tự tạo ra "nền giáo dục chạy theo thành tựu" cho riêng mình. Các bạn gái trong CLB con dượng nhớ nhé. Mình tạo ra thành tựu hàng ngày, các loại bánh mứt, công thức nấu ăn, đan áo đan len, trồng những chậu hoa, trồng rau nuôi gà,....đó là thành tựu. Chân yếu tay mềm em chỉ có thế thôi. Thằng cu nào mon men đến tán mình, mình ra đề thi: hãy nêu thành tựu anh có từ lúc anh xuất hiện trên quả đất. Nó kể chiếc xe máy này, mình hỏi tự anh làm ra hay của mẹ anh mua cho? Nó nói mẹ mua cho, cái mình trề môi nói không được. Nó nói anh từng đi du học, mình hỏi tự tìm học bổng hay cha mẹ cho tiền, nó nói học bổng, mình mới nói ồ dé. Nó nói nhà anh cũng có cơ sở sản xuất nhưng bố mẹ anh cực khổ gầy dựng....thì mình nói bố mẹ anh mới có thành tựu, anh thì chưa. Tiễn nó ra khỏi nhà ngay, vừa tiễn vừa hát bài "thôi anh hãy về". Về học về làm.
Có "thành tựu" gì đi rồi hẵng đến, rồi chúng mình sẽ "thành thân".


Tình cờ đọc được câu này của anh James
"Thế giới là một cuốn sách.
Người không đi đâu thì chỉ đọc có 1 trang" bèn suy luận:
1. Thế giới có hơn 200 quốc gia, tức cuốn sách đó có hơn 200 trang
5 châu lục, tức 5 chương.
Đọc chương 1 trước, chương châu Á. Lật giùm các trang kế bên như Lào, Cambodia, Myanmar, Trung Quốc, Philippines... Rồi tới chương châu Âu, châu Mỹ....
Lẽ nào từ bé đến giờ có 1 trang đọc miết? Hay cả năm nay cứ dừng lại ở 1 trang?
2. Nước mình 63 tỉnh, tức 63 dòng. Mình đã đọc được mấy dòng?
Đi nhiều đầu óc mới phóng khoáng, tư tưởng mới thoáng đạt, về làm việc hay học tập mới có năng suất được...
Lao động cật lực hết quỹ thời gian còn trống của mình. Đừng để bất cứ khoảng thời gian chết nào trong tuần cả (trừ 1 ngày chủ nhật nghỉ ngơi).
Tích lũy rồi đi.
=>Tự hỏi mình: Trang sách 63 dòng ấy? Cuốn sách hơn 200 trang ấy, bạn đã đọc được mấy dòng mấy trang?
A. 1 dòng 1 trang
B. 2 dòng 1 trang
C....
D...
E....
P/S: Giờ rủ nhau đi du lịch trong nước thì nói "xuống dòng với tao hem", còn rủ đi nước ngoài, giả bộ nói "sang trang khác với tao hem" cho nó dễ thương nhé. Hay từ trang 1 mình mở luôn chương 4 trang 79 dòng 15, châu Đại Dương, Úc, Sydney.
Lên đại sứ quán Úc làm visa đi chơi liền. Hỏi lý do đi Úc, mình học thuộc câu của James rồi nói "em đi đọc sách".

(các bạn làm ngành du lịch nên đọc)
Có lần Tony đi cùng với một đoàn du lịch nọ, có ông giám đốc công ty du lịch đó theo, vì là tour mới, ổng đi khảo sát. Cứ thấy trái ý là ổng mắng sa sả đứa hướng dẫn và cô trưởng đoàn, mặt mũi lúc nào cũng chằm dằm, cau có làm chuyến đi của Tony không thú vị gì cả. Cứ sáng vừa lên xe là ổng chửi hướng dẫn, 1-2 còn bỏ qua. Tới lần thứ 3 ổng lại cầm micro mắng nhân viên trên xe nữa, Tony tức quá nên mới lên mượn micro nói chú ơi, nội bộ công ty chú thế nào thì tối về giải quyết, đây chú đi với tư cách là khách du lịch thì phải ứng xử phù hợp. Chú không enjoy thì để người khác enjoy chứ, mới sáng sớm mà đã vậy rồi, cháu không đồng ý với thái độ này, người làm du lịch phải vui vẻ dễ thương, mặt mũi phải dễ coi, tính tình phải hào sảng phóng khoáng. Cái ổng im lặng không nói gì. Tony thấy ai không dễ thương là xin phép góp ý ngay. Hôm trước lên máy bay cũng có 1 cô tiếp viên cau có nhăn nhó, Tony mới nói xin lỗi xong, hỏi bạn ơi mình có chút xíu góp ý được không. Cổ nói dạ được, cái mình nói "theo mình thì bạn nên dễ thương hơn. Bạn có gương mặt rất đẹp, chỉ cần tính tính vui vẻ xởi lởi thì sẽ có duyên hơn. Với phụ nữ, cái duyên nó quan trọng hơn cả nhan sắc". Cái cổ tái mặt, nói cám ơn và từ đó, thái độ phục vụ thay đổi hẳn. Nói để biết, làm dịch vụ, tính tính mình phải vô cùng dễ thương mới kiếm tiền được.
Hiện nay nước ta nhận khoảng 7 triệu du khách quốc tế/năm, chỉ bằng 1/5 so với Thái Lan, Malaysia, Singapore…Du lịch inbound là một mỏ vàng cho chúng ta vì tên gọi Việt Nam rất nổi tiếng, VN và Mỹ là 2 nhân vật xuất hiện dày đặc trên truyền hình/báo chí trong suốt thập niên 60-70 khi chiến tranh chưa kết thúc. Các bạn coi phim Mỹ sẽ thấy nhắc đến Việt Nam rất nhiều, và người đặc biệt Mourinho thì luôn nhắc đến Việt Nam.
Hôm trước, cả thế giới sửng sốt với chương trình Good Morning America với cảnh quay trực tiếp từ hang Sơn Đòong, hang động lớn nhất thế giới ở Quảng Bình. Và lập tức, tên hang này xuất hiện trên từ khóa tìm kiếm google như là một hiện tượng, từ việc search hang Sơn Đòong, các thông tin khác về du lịch Việt Nam cũng được hiện ra trên màn hình, và rất nhiều người quyết định đến VN cho chuyến du lịch hàng năm của họ. Do tour tham quan hang này rất đắt và đã đặt kín chỗ đến mấy năm sau, nên khách chuyển hướng đi coi Phong Nha, Hạ Long, Bạch Mã...và các nơi khác.
Các công ty du lịch nên “swim with the tide”, tức nhân cơ hội này mà nhận thêm khách. Các fanpage bằng tiếng Anh kiểu “visit Vietnam", Ha Long Bay, Hue, Nha Trang....nên được thành lập, với đội ngũ tiếng Anh hùng hậu, biên tập thâu đêm suốt sáng các tư liệu này cũng như du lịch VN, cập nhật, chạy facebook ad, google ad (quảng cáo) trên mọi FB của mấy thằng Tây. Ví dụ như mình làm fanpage "Visit Tony Morning's hometown" chẳng hạn, thì về Cần Thơ chụp hình phong cảnh, update thông tin tour, khách sạn, giá vé, đời sống văn hoa địa phương...rồi chạy facebook ad qua các công ty digital marketing, nói đối tượng là khách Canada, mình muốn nhận khách nước này. Công ty Quảng cáo online này sẽ giúp mình, cứ 5 phút 1 lần, trang Visit Tony Morning 's hometown sẽ hiện lên FB của người Canada ở Canada. Họ bấm like rồi đọc, rồi đặt tour với mình.
Đừng có giảm giá tour, Tây đẳng cấp nó không thích đâu, đừng cạnh tranh về giá mà hạ chất lượng xuống. Nên giữ giá cao, nhưng phục vụ nhiệt tình. Tây thích giá rẻ thì nó tự đi rồi, không mua tour đâu, đừng có phé gié (giọng Bình Định ý nói phá giá), cũng đừng có phóa gióa (giọng Quảng Ngãi).
Các quản lý công ty du lịch nên tập huấn anh em để chộp lấy cơ hội này, rèn ngoại ngữ, lòng tự hào dân tộc, nụ cười, ánh mắt, dáng đi…sao cho lấy tiền Tây đợt này cho được nhé. Chậm phút giây nào mất cơ hội ráng chịu.
Cách đây mấy tháng, Tony có đi Hồng Công công tác. Ở đó có những văn phòng sáng đèn ban đêm của các công ty du lịch Trung Quốc sang thuê. Tony ở lại coi thử nó làm cái gì. Thấy một văn phòng khoảng chục bạn, toàn dân đại lục, tốt nghiệp ĐH ngoại ngữ hay du lịch gì đó, trẻ măng, lanh lợi ghê lắm. Tony vô hỏi thì thấy các bạn đang quảng bá các fanpage, các website du lịch của Trung Quốc trên google, youtube, facebook. Do ở Trung Quốc, việc truy cập 3 mạng này hầu như không được, trong khi Tây thì sử dụng phổ biến, nên họ sang Hồng Công để quảng cáo. Thấy họ chạy website và fanpage tiếng Ả Rập, tiếng Bồ, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga, tiếng Đức....đủ cả. Người Ả Rập vừa search google "honeymoon trip" là ra cả chục trang chào mời đi Trung Quốc. Hoặc facebook của người Đức cứ hiện lên new feeds của họ thông tin về du lịch Trung Quốc bằng tiếng Đức, cái họ tò mò bấm vô coi, rồi mê mẩn bấm nút đặt tour luôn. Thấy cứ tích tắc mấy giây là một email gửi đến đặt khách, họ xử lý xác nhận với khách. Sáng hôm sau, ở Thượng Hải Bắc Kinh là hàng trăm email từ Hồng Công gửi đến, soạn thảo HĐ, lên kế hoạch đón khách.
Du lịch là mỏ vàng cho chúng ta, cần nhiều nhân tài vô hoạt động. Cần được đào tạo, các bạn trẻ đam mê phục vụ người khác nên theo học ở các trường cao đẳng du lịch các tỉnh. Điều kiện là phải ngon lành tướng tá, ví dụ làm hướng dẫn viên du lịch mà lùn quá, thì coi chừng nó mắng công ty du lịch sử dụng lao động trẻ em. Hoặc sức khoẻ không có, thở hồng hộc thì leo núi và phục vụ cho khách cái nỗi gì, lo bản thân không xong. Hoặc tính tình quen thói chiều chuộng, lúc nào cũng cáu gắt, cái gì cũng không ăn, trái ý là khó chịu....thì thôi, ở nhà cho cha mẹ chiều, đừng ra đường, du khách về nó gửi thư complaint mệt lắm...


“Con là sinh viên năm cuối 1 ĐH ngành kỹ thuật ở Hà Nội. Nhờ chăm chỉ đọc các bài viết của Dượng mỗi sáng trong 2 năm qua mà bây giờ con thấy mình sống văn minh và đẳng cấp nhiều hơn ngày xưa, con luôn mỉm cười trước khi ngủ vì một ngày trôi qua đầy ý nghĩa.
Trước khi chưa đọc những bài của Dượng, con cũng là con ngoan, trò giỏi. Con chăm chỉ học hành, kì nào cũng đứng nhất lớp. Nhưng bây giờ, con đã thay đổi tư duy. Có đứng đầu lớp đi nữa thì cũng chỉ là đứng đầu 100 bạn, tập hợp này quá bé so với 7 tỷ người ngoài kia. Con chỉ tốt hơn con ngày hôm qua thật nhiều, tiến bộ mình tự nhận thấy rõ, là được.
Con bắt đầu đi tình nguyện, tổ chức các chương trình thiện nguyện lên các bản vùng cao, đi đến những nơi có người nghèo, để sống cùng và giúp họ. Con biết nghĩ cho người khác nhiều hơn Dượng ạ, bây giờ con không muốn chỉ dành thời gian cho những thú vui của bản thân nữa. Những giây phút làm mình sung sướng trước đây như nhu cầu ăn ngủ x,y…chỉ khiến mình sướng có vài giây, trong khi giúp đỡ người khác khiến mình cứ vui miết, sướng miết…
Con cũng không suốt ngày nghĩ đến việc làm giàu như hồi trước nữa, mà rèn luyện chuyên môn, rèn thể lực (con học võ và vẫn sinh hoạt đều đặn ở võ đường). Con muốn mình giỏi tiếng Anh, Nhật vì là dân kỹ thuật, tiếng Anh-Nhật là 2 công cụ để con có thể tiếp cận 2 nền sản xuất hàng đầu thế giới.
Con còn mở 1 trung tâm với mô hình các bạn năm cuối dạy lại cho các bạn sinh viên năm 2, 3 trường con. Rồi con xin cho các bạn đi thực tập, quan sát thực tế rồi về hướng dẫn lại các bạn khác. Bây giờ nhóm bọn con đã có 20 người, ai cũng giỏi chuyên môn và đang học tập ngoại ngữ điên cuồng dượng ạ (con đang học tiếng Nhật, và đi dạy tiếng Anh cho các bạn khác). Các môn bọn con dạy là Tiếng Anh, tiếng Nhật, Dự Toán công Trình, Bóc Tách khối lượng, Autocad (toàn là các kĩ năng phục vụ cho kĩ sư). Nhóm con bây giờ đứa nào cũng lưu loát 2 sinh ngữ, cao ráo khỏe khoắn, gương mặt ai cũng hào sảng tự tin, luôn miệng nói cám ơn xin lỗi, luôn nhường nhịn và giúp đỡ người khác, giúp xong là quay đi ngay không đợi người ta cám ơn. Cho và lập tức quên. Nhận thì nhớ miết, cám ơn và báo đáp lại cho bằng được.
Con sắp sang Nhật làm việc do trúng tuyển vào 1 công ty xây dựng ở Hokkaido, nhưng trước khi đi, con rất muốn được gặp Dượng. Con vẫn nằm mơ thấy dượng là một ông già quắc thước, tóc bạc trắng phơ phơ trong bộ áo bà ba Nam Bộ nước mình. Dượng đang ngồi trên ghế mây đọc sách thánh hiền, ngoài vườn thì xanh mướt cỏ cây và líu lo chim hót.
Con viết hơi dài, con chúc Dượng có 1 ngày thú vị ạ!”
Dượng: Đọc xong thư con, dượng bèn đi ra nhà may làm liền mấy chiếc áo bà ba. Rồi dượng sẽ không hớt đầu đinh nữa mà sẽ để tóc dài và búi lên thật cao. Dượng sẽ không mua ghế mây vì bị thoát vị đĩa đệm mà, ngồi ghế mây sao được. Thay vào đó dượng sẽ mua tấm ván (tấm phản) gỗ mun. Cứ sáng sáng dượng tới cái ván ngồi xuống, 2 bàn chân vỗ vào nhau cho rớt bớt đất cát, rồi ngồi xếp bằng, ăn na ăn mãng cầu nhả hột đầy nhà, la mắng mấy gia nhân đang lui cui dọn dẹp…
Đừng có mơ dượng giống ông hiền triết nào đó bên Tàu. Hồi đó dượng học bên Tây, mấy thầy đặt tên Tony cho dễ gọi chứ bản chất vẫn là nông dân miệt vườn rặt. Miền vườn nhưng sính ngoại lắm, chỉ dùng cái gì có chữ Tây trong đó như khoai tây, gà tây, hành tây (trên mặc áo bà ba chứ ở dưới cũng diện quần tây), uống rượu Tây, thậm chí cái gì không thể Tây được thì phải có yếu tố nước ngoài như dừa xiêm, lê-ki-ma, kiwi…Đứa nào đem ổi đem mít tới là dượng đuổi đi liền. Cà phê phải là Starbucks, Davidoff, RedCup... mới uống. Nhà cấp 4 xập xệ chứ cũng phải gọi là villa de Tony. Đến con Lu cũng biết nói tiếng ngoại quốc. Khách tới nhà là nó kêu go go go…


Chị M, từng bỏ học nửa chừng do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn thập niên 80. Từ một công nhân gọt dứa, chị từng bước trở thành chủ một nhà máy chế biến nước dứa đóng hộp xuất khẩu ở miền Tây. Co lần tâm sự với Tony, chị nói, nếu được đi học trở lại, chị sẽ chọn ngành công nghệ thực phẩm ở một trường ĐH hay cao đẳng hay trung học nghề nào đó. Chị không hề hối tiếc điều gì khi đã hoàn thành ước mơ của mình. Tony nói, à đó là sứ mạng, mission của cuộc đời. Không nhiều người biết mission của đời mình là gì đến khi nhắm mắt xuôi tay, chị ắt hẳn rất hạnh phúc. Chị mỉm cười, nói ừa, nhà máy này là của chị.
Các bạn sinh viên ngành công nghệ thực phẩm thân mến, các bạn thật sự đang sở hữu một nghề đáng mơ ước trong tay. Các bạn tận dụng từng phút từng giây ở trường nhé. Cứ một buổi mình học, một buổi mình lên phòng thí nghiệm, ăn dầm nằm dề ở đó. Máy móc thiết bị đủ cả, mình mò mẫm thử nghiệm mứt sấy dẻo, rượu vang từ thanh long, khoai lang tím, rau củ snack ăn liền, nước mía đóng lon, nước rau má đóng hộp, mía lau mã đề, kem chuối kem sầu riêng kem nhãn, gà ác tiềm đóng hộp, tổ yến chưng đường phèn đóng hộp, nước nấm linh chi, cao linh chi, cao sâm Ngọc Linh, cá kho tộ đóng hộp, canh chua ăn liền...làm thành các đề tài nghiên cứu sinh viên, sau này phát triển ra thành thương phẩm.
Ôi nghĩ mà mê, mà mê.
Hình ảnh những thanh niên khoẻ khoắn khoác chiếc áo blouse trắng, và những phòng lab huyền thoại sáng đèn cả đêm. Không gì đẹp hơn.
10 năm sau khi rời giảng đường, họ sẽ là những ông bà chủ của những xí nghiệp chế biến nông sản, khoác chiếc áo vét đứng các hội chợ thực phẩm quốc tế để tiếp thị, hay chỉ đạo sản xuất trong phân xưởng, nhanh lên các anh chị em, đơn hàng xuất khẩu nhiều quá rồi, container đang chờ ngoài sân...
Và nông sản nước Việt mình đi khắp thế giới. Cứ vô siêu thị bên Tây, mở lon nước cốt dừa cũng Made in Vietnam, cá hộp thịt hộp cũng Made in Vietnam
Giới trẻ đi đâu, nói I am from Vietnam, cả thế giới rú lên, sao người mày giỏi thế, ẩm thực nước mày ngon thế, sao tao đi đâu cũng thấy thực phẩm chế biến của tụi mày?
Không xa, chỉ 10 năm, khi một thế hệ các kỹ sư chế biến thực phẩm mang tinh thần làm chủ ra trường. Họ sẽ rất khác, rất khác..
Thông minh, giỏi giang, kiệt xuất...là những tính từ thế giới nghiêng mình cho một thế hệ trẻ đam mê sản xuất của Việt Nam.
Gặp lại chị M, chị tươi cười bảo "có gì đâu em, vì đất nước này là của chị".

Một bữa nọ, trời đã nhá nhem tối. Tony đang ngồi ăn trong nhà thì thấy con Lu xoắn đít vẫy đuôi, bèn sai gia nhân ra coi ai cứ thụt thò ngoài biệt thự 12 tỷ của mình vậy. Thì ra là cậu Harrod.
Bạn là một “con dượng” dự thi mứt thanh long, bữa gặp ở Villa De Tony, Tony đặt tên ngoại quốc là Harrod. Hoà nhập quốc tế, bên cạnh tên Việt cũng nên có tên tiếng Anh, giống như người Hồng Công hay Singapore, chủ yếu để giao tiếp cho dễ, không nên bảo thủ kiểu Á Châu. Phải phóng khoáng lên, chỉ là một cái danh xưng, mình không chấp nhận sự mới lạ hay thay đổi thì khó lòng làm nên nghiệp lớn.
Tony động viên bạn về quê sản xuất mứt trái cây. Bạn về, tách riêng ½ diện tích nhà để làm xưởng, liên hệ với vùng nguyên liệu, thiết kế bao bì nhãn hiệu, tìm kiếm chỗ mua máy móc xong xuôi, chạy những mẻ đầu tiên để đem đi tiếp thị. Từng bước trở thành ông chủ nhỏ, chạm 1 tay vô ước mơ cuộc đời mình. Ước mơ thì ai cũng có, nhưng chỉ có số ít là làm, số còn lại ngồi nói có cái miệng không đó mệt quá. Các bạn trẻ cũng theo dõi trên FB, coi ai có sự nghiệp gì không, có thành tựu gì không thì mới
follow. Người ta nói chuyện làm chuyện ăn, riết mình bắt chước. Thông tin kinh tế xã hội thiệt nhiều cũng không có ý nghĩa gì, có nhiều bạn cái gì cũng biết nhưng chẳng có cái gì trong tay, vậy cũng chỉ là đứa bất tài vô dụng.
Tony kêu nó vô nhà uống nước, nó nói thôi đứng ngoài trình bày cũng được. Nó nói con vướng phải vấn đề MÁY MÓC, Tony nói thôi con đi về đi. Bữa nào rảnh, dượng lên page chỉ cho, chỉ sỉ chứ không chỉ lẻ mắc công quá.
Về máy móc, nếu MUA NGUYÊN DÀN MÁY chỉ để làm mẫu chào hàng, thì rất rủi ro, vì chưa chắc mẫu đó được thị trường chấp nhận. Mình có liên hệ các trường ĐH cao đẳng như BK, Tôn Đức Thắng, Cần Thơ, Tiền Giang, Hutech, công nghiệp... hoặc bất cứ trường nào gần nhất mà có khoa CÔNG NGHỆ THỰC PHẨM. Phòng thí nghiệm ở đó đều có tủ sấy, tủ đông, tủ hấp, trích ly, cân đo đong đếm hút chân không, hóa chất bảo quản hay cái gì cũng có…chỉ là không sản xuất quy mô lớn được thôi. Hoặc là nhờ các công ty trong ngành, cái này phải làm quen với bộ phận sản xuất các nhà máy, thuyết phục người ta. Cứ gõ cửa. Làm ăn là không ngại. Ngại, tự ái, mắc cỡ, sĩ diện, háo danh, hoang phí tiền…đều không có trong từ điển của người làm ăn.
Hồi mới ra trường, Tony quen mối sản xuất dầu chiết xuất từ cây tràm (dùng cho phụ nữ mới sinh rất tốt), viết mail giới thiệu chào hàng, bên Nhật thích thú đòi xem mẫu. Nhưng VN mình sản xuất thủ công còn tạp chất, chắc chắn không xuất khẩu được nên Tony mới liên hệ công ty dược phẩm gì trên đường Cách Mạng Tháng Tám, nó đồng ý làm 10 lít, cấp cho bảng phân tích (certificate of analysis) luôn, có giấy này mới gửi DHL qua bên Nhật được. Khách thấy OK nên qua đặt hàng khí thế, sau này tụi Nhật đem máy móc rồi qua sản xuất luôn dưới Long An, họ mời Tony về làm giám đốc nhưng Tony không có nhận lời vì mắc đi Harvard hạc. Tony từ chối làm tụi nó khóc quá trời (khóc bằng tiếng Nhật).
Lúc hãng Phượng Tím mới ra đời, Tony cũng đi gia công. Tony cả ngày ngồi ở các phòng thí nghiệm các nhà máy nhờ nó làm cả chục mẫu…rồi mang đi hội chợ chào hàng. Mình về làm tới làm lui cả chục lần họ mới OK, rồi mới đặt đơn hàng thử nghiệm gọi là trial order, chỉ có 1-2 container thôi, mình nào dám đầu tư máy móc. Trong khi các nhà máy có chạy hết công suất đâu, mình đem công thức, bao bì của mình tới, kêu họ sản xuất cho mình lúc họ rảnh rỗi. Họ cũng phải trả lương công nhân bao nhiêu đó/tháng, nên có việc làm thêm cho anh em, họ còn mừng. Sau này khi đơn hàng lớn rồi, thì mình mới tự lập xưởng sản xuất, gia công mãi như thế không chủ động được, vì mình chỉ là con nuôi, họ phải ưu tiên con đẻ của họ. Gia công như thế này gọi là OEM, nhiều bạn cũng qua Trung Quốc gia công, ví dụ Smartphone, bên Thâm Quyến sản xuất mọi mẫu mã, ai muốn gia công ghi tên Tèo Mobile, Tí Mobile gì nó cũng làm, nhưng giai đoạn đầu thì được, chứ làm ăn ổn định rồi mà phụ thuộc người ta nguy hiểm lắm.
Về mặt bằng sản xuất, đầu tiên thì tự quy mô ở nhà, cái máy nhỏ nhỏ đóng gói, hơ lửa dán keo lại cũng được. Hồi năm 2 ĐH, Tony về Cửa Bé, đi 1 vòng coi nhà nào có nước mắm ngon, lên chi cục đo lường chất lượng Khánh Hòa đăng ký nhãn hiệu “nước mắm Tony Cocky” xong, đem vô Sài Gòn bán. Tony mò lên nhà máy Ngọc Nghĩa trên khu CN Tân Bình mua chai, nó có bán lẻ. Cứ cuối tuần, ngoài Nha Trang gửi vô 10 can 200 lít, Tony ngồi sớt ra chai, dán nhãn rồi đi bán cho các cửa hàng tạp hóa khu vực phường 13 Bình Thạnh. Người ta góp ý là chai nước mắm phải cái màng phủ trên cái nắp, nếu không, nhìn không an toàn. Hồi đó làm gì có internet mà tìm kiếm. Tony mò xuống Chợ Lớn mất mấy ngày mới tìm ra cơ sở sản xuất MÀNG CO, lao vô tìm hiểu. Người ta hướng dẫn dùng cái mấy sấy tóc, trùm màng co vào đầu chai và sấy 1 cái là nó ôm cái nắp chai ngay.
Tony cứ buổi nào lên trường thì thôi, bữa nào ở nhà là đi tiếp thị rồi giao nước mắm, rồi 4-5h chiều là thay đồ lên thư viện học đến 8h đêm mới về. Mấy năm ăn học cũng nhờ cái nước mắm này và nhiều business khác nữa nên sống hết sức phong lưu, tốt nghiệp vẫn loại giỏi như ai. Yên tâm đứa ham làm thì nó cũng ham học. Ngày chuẩn bị ra trường, Tony tặng cái business nước mắm cho thằng Tú, một đứa ở cùng nhà trọ, dân Bà Rịa, vì thấy nó tử tế trung thực. Tony hướng dẫn nó cách sản xuất xong, dắt nó đi 1 vòng thăm khách hàng, nói các cô các chú ơi, con học xong rồi, con chuẩn bị vô mấy tập đoàn đa quốc gia làm rồi, hoặc con sẽ mở cơ sở sản xuất ở quê, hoặc có thể đi Tây làm việc hay học lên nữa. Thằng em này thế con, có gì cô chú giúp đỡ nó nhen. Thằng Tú cũng làm y chang Tony vậy, nhưng nguồn nước mắm là từ dưới Lộc An Bà Rịa. Khi nó ra trường nó lại chuyển cho 1 đứa khác làm. Vì Tony dặn phải hào sảng, không được tủn mủn kiểu "thà dẹp chứ không cho" của mấy đứa tiểu nông rẻ tiền, chả muốn ai giàu có cả, không hiểu tại sao lại có lối suy nghĩ đó.
18 tuổi rồi. Trưởng thành rồi. Sinh học cơ thể đã có thể sinh sản rồi thì phải có khả năng tự kiếm mồi. Sao cứ há miệng ra xin chim cha chim mẹ đút vậy. Một số chim cha chim mẹ vẫn mù quáng cần mần tha mồi về cho nó, không biết rằng việc này nguy hại vô cùng, làm tàn tật hoá chim non, lười biếng hoá thế hệ sau vì chúng nó sẽ không biết bay, không biết tự kiếm mồi để ăn. Rồi mình già mình chết, nó cũng chết đói theo.
Thời đi học, Tony rất ghét mấy đứa sinh viên hát ê a “bạn tôi, sáng nhịn ăn, lên giảng đường” rồi nói sinh viên tụi mình tội nghiệp. Tội gì. Sức dài vai rộng, trí tuệ có mà nhịn đói? Sao không đi phụ giữ xe hay phục vụ quán ăn?
Người ham lao động thì mắc mớ gì phải nhịn, cứ phở bò phở gà quất tới.


Khổm là tên anh bạn thân người Thái Lan của Tony. Nói là bạn chứ anh cũng già rồi, có ba đứa con trạc tuổi Tony. Làm ăn rồi quen. Anh có nhà máy phân bón khá lớn ở ngoại vi Băng Cốc.
Trong những năm đầu 90, kinh tế xã hội Thái Lan giống nước mình bây giờ, phần lớn hạc sinh thi vào kinh tế, tài chính. Hai đứa đầu của anh Khổm, 1 đứa quản trị kinh doanh, 1 đứa kinh tế đối ngoại. Rồi như kịch bản của 1 gia đình khá giả, tốt nghiệp xong, 1 đứa qua Anh, 1 đứa qua Úc lấy bằng thạc sĩ MBA. Rồi về nước phụ cha phụ mẹ. May mà có cái công ty của gia đình. Lấy thạc sĩ ở 2 quốc gia nói tiếng Anh, nhưng tiếng Anh 2 đứa lại bình thường vô cùng. Hai đứa nó qua hãng Phượng Tím, các bạn từ tiếp tân đến tài xế của Tony đưa đi chơi mua sắm, nói tiếng Anh như gió, tụi nó nể phục lắm. Có gì đâu, cứ chiều chiều các bạn ngồi xóa mù ngoại ngữ, đứa biết 3 chữ chỉ cho đứa biết 2 chữ. Tony chả quan tâm bằng cấp của đứa nào, miễn thấy chịu khó làm việc sẵn sàng lao động chân tay dù có trình độ ĐH cao đẳng, tính tình dễ thương lanh lợi... là nhận vô đào tạo, xách giỏ đi nước ngoài đàm phán nhoay nhoáy. Những bạn làm giỏi nhất trong khối quản lý đều tốt nghiệp từ các ĐH tỉnh như Đà Lạt, Vinh, Cần Thơ, Quy Nhơn, Đà Nẵng, An Giang...cứ đào tạo 6 tháng rồi dùng là được hết. Còn khối sản xuất thì tốt nghiệp các trung cấp nghề, cao đẳng nghề...Nếu để đánh giá thì phải nói là vô cùng tuyệt vời với nguồn lao động này.
Trở lại chuyện anh Khổm. Vợ chồng anh từ dưới quê đi lên xây dựng sự nghiệp ở Băng Cốc xong, muốn con cái có tương lai nên cho vô toàn trường chuyên lớp chọn, bên Thái gọi là trường tư, tốn tiền ghê lắm. Kiểu cấp 1 Lương Đình Của, cấp 2 Trần Văn Ơn, cấp 3 Lê Hồng Phong, cấp 4 Bách Khoa Kinh Tế, toàn lựa trường ngon ở thành phố lớn. Nhưng ra trường thì chìm lỉm, không còn chút dấu ấn gì xứng đáng với sự đầu tư ấy. Đứa nào vô công ty đa quốc gia làm lương 2000 đô/tháng là tự hào ghê lắm, thời gian còn lại chỉ quan tâm đến áo hiệu quần hiệu, bữa này chỗ này sale off, tour du lịch nước kia đang hạ giá rồi tíu tít nhau đi chơi. Nền kinh tế Thái Lan cứ giẫm chân tại chỗ, toàn gia công cho nước ngoài suốt 1 thời gian dài. Một thế hệ con nhà thành phố khá giả, chẳng có động lực gì phấn đấu. Mọi thứ có sẵn, trường ngon, giáo sư xịn, bạn giỏi, cơ sở vật chất đầy đủ...lại làm mất khả năng tự mày mò vươn lên, đầu vào tưởng là ngon nhưng đầu ra bình thường. Mặc dù 2 đứa nó cũng hòa đồng và lễ phép, nhưng nói chung nhạt nhoà.
Đến cậu út, anh Khổm thay đổi hướng nghiệp. Cho nó hạc kỹ thuật trước, sau này mới hạc quản trị để trở thành nhà kỹ trị, vì đứa út này biết vượt sướng. Anh thuyết phục nó hạc nông lâm. Nó đầu tiên không chịu, nói dơ dáy đất cát, nắng nôi cực khổ, ai chẳng muốn sướng tấm thân với việc ngồi máy lạnh văn phòng? Nhưng sau 1 năm, nó tự nhiên đam mê, khoác áo blouse vào phòng thí nghiệm trồng cây mới này, cấy tế bào kia, rồi đem ra thực địa xem nó lớn lên, ra hoa kết trái như thế nào...vô cùng vô cùng thú vị.
Tốt nghiệp xong, nó sang trường Fresno ở Cali học thạc sĩ quản lý nông nghiệp. Trường này qua trường Nông Lâm Thái Lan tuyển, nhận hết cả lớp nó, cho hạc bổng hết, trừ mấy đứa dốt tiếng Anh. Qua được 3 tháng là tụi nó bắt đầu để dành được tiền, đi phụ thầy cô, đi hái nho hái táo, nuôi giấm hay làm hướng dẫn viên cho khách Thái tham quan công viên Yosemite bên cạnh. Các tổ chức quốc tế như FAO ( tổ chức lương nông thế giới), FDA ( tổ chức quản lý an toàn thực phẩm), các tập đoàn như Monsanto, Bayer, Dow Chemical, Syngenta, BASF…. đến đặt cọc trước, giành giật sinh viên thấy bắt mệt. Vì cậu Út được FDA tuyển, đưa đi đào tạo thêm rồi về phụ trách FDA Thailand, chuyên kiểm nghiệm các lô hàng trái cây xuất khẩu. Nhờ một thế hệ những người Thái trẻ giỏi giang như vầy, mà trái cây Thailand đi vô được hầu hết mọi siêu thị trên thế giới. Riêng xuất khẩu cho Trung Quốc hoa quả nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…với nhu cầu khổng lồ cũng đem lại cho nông dân Thái sự giàu có tột bậc. Thế hệ cậu Út còn hạc hóa chất, cơ khí, máy móc, xe hơi, điện tử....mặc dù hạc kỹ thuật nhưng đứa nào đứa nấy tiếng Anh giỏi nên vô mấy hãng nước ngoài làm hết. Đâu 5-10 năm là có thể ra riêng tự sản xuất một cái gì đó Made in Thailand, vì tiếng Anh giỏi nên ra tiếp thị bên ngoài, người ta mua ào ào. Cả thế giới ớn hàng Trung Quốc quá mà tìm miết mới có một nước giá cả cao hơn Trung Quốc 1 chút mà chất lượng hơn hẳn, đó là Thái. Một thế hệ cậu Út góp phần xây dựng nền công nghiệp sản xuất Thái Lan hùng mạnh số 1 Đông Nam Á và thứ 10 thế giới về sản xuất xe hơi, tốp 5 thế giới về điện từ, đồ gia dụng, máy tính đồ chơi... Du lịch cũng mạnh, nông nghiệp cũng mạnh, giờ công nghiệp cũng mạnh nữa thì dân Thái ngày càng sung túc.
Cậu Út nói với Tony, bạn bè nông lâm của em nhìn lại 10 năm ra trường đều thành đạt cả. Đứa được giữ lại làm giảng viên, đứa làm việc mấy tổ chức quốc tế, đứa tự mua đất trồng trọt chăn nuôi. Đứa nào cũng triệu phú đô la trở lên, đời sống hết sức phong lưu vì có một tuổi trẻ chấp nhận lấm lem dầu mỡ trong các nhà máy, đất cát ngoài đồng... Chứ hẻm có sức dài vai rộng mà mặc quần tây đóng thùng, ôm cái laptop ngồi quán cà phê Starbucks chat chit ở Băng Cốc chờ ngân hàng này, công ty kia tuyển thì vác đơn đến, nói chuyện toàn chuyện vĩ mô trên mây.
Tự nhiên ngồi nghĩ, nếu bây giờ mà 18 tuổi, Tony chắc chắn sẽ chọn hạc kỹ thuật như kỹ sư trồng trọt ( sẽ chọn ĐH Nông Lâm Huế hay Nông Lâm Thái Nguyên), hoặc có thể làm kỹ sư nuôi trồng Thuỷ Sản (ở ĐH Nha Trang). Ở các trường tỉnh nói chung, không chen chúc lên thành phố lớn làm gì, mục đích dài hạn là học bên Tây bên Mỹ chứ Sài Gòn Hà Nội ăn thua gì.
Ở các trường tỉnh, học sinh giỏi chê không học thì mình học, cơ hội lớn cho mình vì tỷ lệ sinh viên giỏi tiếng Anh không nhiều, mình chăm chỉ cày tiếng Anh lấy cái IELTS 7.0 cộng thêm vài bài báo quốc tế hay vài công trình nghiên cứu khoa học đứng tên chung với các thầy cô trong trường là có thể vi vu ở trời Tây học cao lên nữa miễn phí. Có thể là quản lý nông nghiệp, quản lý thuỷ sản, hay cũng có thể là MBA. Trở thành 1 nhà kỹ trị vẫn có gì đó thú vị hơn. Quan niệm riêng của Tony là như vậy.
Nếu Tony 18 tuổi. Ối chà chà, với gương mặt thanh tú như vầy, có khi lại đi đóng phim ca nhạc cạnh tranh với K-Pop của Hàn Quốc cũng nên.
18 tuổi 18 tuổi....
P/S: nếu đã quyết tâm chọn ngay từ đầu học kinh tế, luật,....thì vẫn cứ tiếp tục. Còn nếu bạn vẫn phân vân học kinh tế hay kỹ thuật thì có thể chọn kỹ thuật trước, kinh tế có thể học sau vì dễ. Nhưng rất khó cho chiều ngược lại.


Từ năm lớp 1 đến lớp 12 để thành người có học thật sự. Cứ nói nhiều bạn "vô học" thì cũng oan uổng quá, các bạn có học đấy, học rất nhiều, nhưng toàn là lim log ô mê ga tê cộng phi để mục đích cuối cùng là vào đại học. Rồi học cao nữa, cao nữa...nhưng những cái chút xíu thì vẫn không biết, không ai dạy cả, không có trong sách giáo khoa hay giáo trình nào. Họ nói nếu phải thi môn đạo đức làm người để thi các cấp hay vào đại học, chúng em sẽ học đêm học ngày ngay.
Trung Quốc đã bắt đầu đưa môn "đạo đức làm người" vào giảng dạy, thành sách giáo khoa và là một môn chính để thi cử, thậm chí thi đại học vừa rồi họ ra đề về "không tham của rơi". Tâm lý của dân châu Á là vậy, cái gì có thi mới học.
Việc đưa môn "đạo đức làm người" vào 4 môn quan trọng nhất (toán, ngữ văn, tiếng anh, đạo đức) để xét tốt nghiệp các cấp và thi cao đẳng đại học ở Trung Quốc vừa qua đã thay đổi rất nhiều bạn trẻ, nhiều bạn mới vỡ ra rằng xưa nay các bạn làm như thế là không văn minh. Môn này còn chuẩn bị làm thành môn bắt buộc ở các trường ĐH Trung Quốc, trên mạng xã hội, các sinh viên rất hào hứng đón nhận. Vì thật sự giúp họ chân hơn, thiện hơn, mỹ hơn...và tất nhiên ra đời sẽ thành công hơn. Ai chẳng ưa thích người có đạo đức, văn minh, tâm hồn?
Sáng nay, trên tnbs.

Mùa tựu trường, Tony hỏi nhiều bạn vì sao bạn học ĐH, 10 bạn hết 9 bạn nói để có việc làm. Tại sao chọn trường này mà không chọn trường kia, các bạn nói nó "ngon" hơn. Tony hỏi ngon như thế nào, các bạn nói thì trường nổi tiếng khó vô, cơ sở vật chất hoành tráng, giáo sư nhiều... (khái niệm trường ngon hay không ngon bị biến mất khi internet ra đời, giáo trình nào cũng có trên mạng cả, giáo sư nào dạy hay cũng có clip trên youtube tha hồ xem). Tony lại hỏi, vậy mục đích học trường ngon để làm gì, phần lớn các bạn nói để có việc làm ngon, tức lương cao, cơ hội được công ty đào tạo trong và ngoài nước, môi trường làm việc năng động, đồng nghiệp giỏi giang,....
Vậy thì bây giờ Tony sẽ giúp các bạn trong thời gian 4-5 học ĐH, mình sẽ luyện thi để được việc làm ngon ấy nhé.
Ngoại trừ các ngành chuyên môn như kiến trúc sư, bác sĩ…tức phải có chứng chỉ hành nghề, cách tuyển sẽ theo một quy trình riêng, còn làm văn phòng, kinh doanh, quản lý…, thì họ sẽ tuyển theo hướng không quan tâm bằng cấp, chỉ quan tâm thực lực. Cho nên bạn muốn làm công ty nước ngoài hay công ty Việt Nam đẳng cấp, cứ yên tâm học ĐH tốp trên tốp dưới cao đẳng gì cũng được, hệ chính quy tập trung không tập trung, công lập hay dân lập, ở tỉnh hay ở thành phố lớn...TẤT CẢ ĐỀU ĐƯỢC. Người ta chỉ tuyển người, không tuyển bằng, nhớ nhé. 100% sinh viên tốt nghiệp với tiếng Anh thành thạo, kỹ năng mềm tốt, tư duy tốt, có văn hóa đọc, khỏe mạnh nhiều năng lượng, tính tình dễ thương trung thực tử tế…thì đều có việc làm ngon như các bạn từng mơ ước.
Ví dụ thông tin tuyển dụng của một công ty nước ngoài lớn tại Tp HCM:
- Tốt nghiệp ĐH, cao đẳng, thậm chí không có bằng tốt nghiệp nhưng phải có bảng điểm để chứng minh đã học xong 1 chương trình đào tạo. Bất cứ trường nào, hệ nào trên khắp quả đất.
- Ứng viên phải có ít nhất 2 năm đi làm (làm gì cũng được) để thể hiện sự chín chắn, nhận thức tốt để có sự trưởng thành, già dặn trong suy nghĩ và hành động. Nếu là sinh viên mới ra trường, thì phải chứng minh trong quá trình học có tham gia các câu lạc bộ, các đoàn thể, các hoạt động tình nguyện và xã hội, các công việc làm thêm, các công trình khoa học,..
- Trình độ ngoại ngữ phải do nước ngoài cấp như trong tiếng Anh là TOEFL, TOEIC hoặc IELTS, tiếng Pháp là chứng chỉ x, tiếng Trung là chứng chỉ Y, tiếng Nhật là chứng chỉ Z nào đó. Các chứng chỉ và bằng ĐH ngoại ngữ trong nước chỉ có tác dụng tham khảo.
- Ứng viên sẽ gửi hồ sơ việc làm bằng email, trong đó thư ứng tuyển phải viết tay ghi rõ lý do chúng tôi nên chọn bạn.
Hồ sơ gửi về địa chỉ.....bằng bưu điện hoặc scan bộ hồ sơ gửi qua email.
Quy trình tuyển dụng:
- Nhà tuyển dụng sẽ sàng lọc để loại trừ các lỗi ngáo ngơ như viết sai chính tả, email không có tiêu đề (subject) hay subject chỉ là “tìm việc”. Cách đặt tên file CV cũng phải “C.V của Nguyen Thi A” thì mới được, chứ chỉ ghi “CV” cũng bị loại luôn, vì họ nhận cả trăm email, email nào cũng ghi C.V thì họ sẽ lưu không được. Email gửi mà không có Mở đầu kết thúc, thưa gửi (dear…) ở đầu email và trân trọng ở cuối thư cũng sẽ bị loại. Chỉ có hồ sơ đạt chuẩn, họ sẽ in ra và phòng nhân sự bắt đầu công việc phỏng vấn.
- Sau khi qua vòng gửi xe, sẽ đến phần viết, kiểm tra trình độ toán học xem có nhầm lẫn về con số không, các bài test chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc. Bài test này họ cho thi online, gửi qua mail cho mình làm bài, và gửi lại trong vòng 1h cho họ. Họ cho mình “quay bài”. Bạn nào tham khảo hay google giỏi cũng là 1 kỹ năng, nhưng nếu google sẽ không kịp trả lời. Phần này sẽ kiểm tra tính logic trong suy nghĩ, ví dụ số tiếp theo của dãy số sau là bao nhiêu, 1,3,5,7,…Nếu mình biết điền vào số 9 thì coi như là người có I-ốt, qua.
- Sau khi qua vòng này, sẽ tới phần NÓI. Tới đây là không online được nữa mà sẽ phải gặp mặt. Sẽ có một hội đồng phỏng vấn khoảng 10 người chất vấn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Việt (nếu vị trí chỉ cần tiếng Việt), mình sẽ phải đứng lên thuyết trình 1 đề tài để họ thấy phong thái tự tin của mình. Họ cũng sẽ hỏi dồn, hỏi qua hỏi lại, bạn nào lanh chanh lóc chóc hay không trung thực sẽ bị loại. Nên hãy từ bỏ thói quen nói dối để mình qua được vòng này nhé. Sau đó, các phòng ban coi mắt, thấy ưng ý ứng viên nào thì sẽ tổ chức gặp riêng thỏa thuận lương bổng, vị trí công việc, thời gian vô làm, làm ở Sài Gòn, Cà Mau hay Tokyo…
Cơ hội việc làm là công bằng cho tất cả mọi người. Không cần phải "con vua" hay "con sãi" gì, cứ giỏi là vô làm tuốt. Và các bạn cũng hiểu vì sao hàng hóa sức lao động của anh A ế ẩm, không ai mua nên thất nghiệp. Hoặc sao anh B bán chỉ có 5 triệu/tháng mà chị C đến 1000 USD/tháng. Mình biết để điều chỉnh cách học tập, cách sống thay vì ĐỔ THỪA tại nền giáo dục, tại thầy cô, tại cái trường, tại cha mẹ không quen biết, tại không có tiền…
Thực tế có nhiều bạn tốt nghiệp những trường không mấy tên tuổi ở tỉnh xa thật xa, như ĐH Mường Tè, ĐH Mù Căng Chải,...nhưng vẫn được vô làm các tập đoàn lớn, họp hành bên New York London suốt ngày. Không cần phải chen chúc vô ĐH ngon nào đó như mình nghĩ. Không có trường nào của Việt Nam nằm trong top 100 trường ĐH của thế giới, nên ngon hay dở chỉ có dân làng mình biết, ra biển lớn mình nói tốt nghiệp trường đó trường đó không ai biết nó nằm ở đâu. NGON là cá nhân bạn có NGON không, chứ không phải cái trường.
Học là để biết, để làm, chứ không phải là để có bằng cấp, dù có bằng như loại giỏi, thạc sĩ, tiến sĩ…vẫn được coi như là ứng viên đó CÓ SỞ HỮU MỘT SỐ KỸ NĂNG TRONG THI CỬ, chứ không liên quan gì đến trí thông minh hay khả năng làm việc.
Dù có học vị gì đi nữa, ứng viên buộc phải được kiểm tra các kỹ năng nói trên, qua được thì vô làm. Thậm chí người bà con gửi gắm con cháu vô cơ quan mình, các bạn cứ nhận hết, rồi tổ chức thi như trên. Qua được thì là người giỏi, nên nhận.
Người ngon thì có việc ngon
Trường nào cũng được, lon ton làm gì?


Sáng nay Tony đọc được một bức thư dài của chị Bình, ở Nghệ An. Những dòng chị viết làm Tony thấy cay xé mắt, được sự đồng ý của chị, Tony xin kể lại câu chuyện trên.
Chị có một đứa con trai, tên A. Con chị từ lớp 1 đến lớp 12 chơi thân với B, một cậu hàng xóm, cùng học chung lớp. Bố B làm sếp cơ quan chị. A và B học rất giỏi, là niềm hãnh diện của chị và bố B mỗi lần họp phụ huynh hay tán gẫu ở cơ quan. Chị luôn xem bảng điểm học bạ của 2 đứa, và lúc nào cũng ép, không được môn nào học dở hơn B và ngược lại, bố B cũng như vậy. Hai đứa trẻ chơi vô tư, nhưng bố mẹ của chúng thì không.
Vừa nhận được điểm thi đại học mới đây, con chị đỗ, còn B trượt. Chị nói tự nhiên trong lòng có cảm giác “ con mình thi đậu không vui bằng con hàng xóm thi rớt”, chị mở tiệc khao rất lớn, mời hết thầy cô bạn học về nhà. Mặc dù A phản đối gay gắt tiệc khao này nhưng chị đã quyết, và mời hết cơ quan chị về chơi luôn, đãi 2 suất, trưa và tối. Dĩ nhiên là có mời B và gia đình nhưng họ không đến.
Chị nói tiệc diễn ra hết sức xôm tụ tuy con chị không vui. Cơ quan ai cũng chúc tụng chị, ai nấy hả hê vì bố B vốn là một sếp khó, luôn miệng nói này nói kia trong khi con mình đã trượt đại học, chẳng ra gì. Chị ra chợ cũng vậy, gặp ai cũng kể chuyện thằng A chuẩn bị đi lên Hà Nội, mua cái này cái kia cho nó mang đi. Có lần chị gặp mẹ B cũng ra chợ mua đồ, mẹ B thấy chị liền lấy nón che mặt. Gặp mẹ B, chị hàng thịt cũng hỏi, chị hàng rau cũng hỏi, dù biết mười mươi là B đã trượt, chỉ để cho mẹ B đau đớn hơn.
Khi biết tin B trượt, bố B hoảng loạn, khủng bố tinh thần B gần như mỗi ngày. Bố B lên cơ quan là vô phòng riêng, không nói không cười với ai. Mẹ B thì đóng cửa, không sang giao lưu với hàng xóm. Trong nhà là tiếng chì chiết, tiếng khóc than. Chị nói nội ngoại 2 bên cũng sang, mắng B là đồ vô tích sự, đồ bã đậu, nhục nhã cho dòng họ, và lôi A ra để làm ví dụ. Chị nói cơn bực tức lên tới đỉnh điểm khi mẹ B bảo mày qua nhà thằng A “mà đội quần nó”, mấy người cạnh nhà nghe lén rồi sang kể cho chị nghe.
Chuyện không có gì là ầm ĩ nếu không phải cách đây 2 hôm, B ăn cắp mấy triệu đồng trong nhà, và bỏ nhà đi đâu mất. Bố mẹ B đang chạy dáo dác đi tìm nhưng vẫn chưa rõ tung tích. Chị tình cờ đọc được bài viết “cái chết của Chu du” trên TnBS, về thói đố kỵ của người châu Á và cảm thấy mình có lỗi, nên viết thư kể lại cho Tony nghe.
Tony xin phép thưa với chị như thế này. So sánh chưa bao giờ là phương pháp tốt trong giáo dục. Người ta chỉ sử dụng kế “ khích tướng” trong trường hợp rất đặc biệt, nếu không sẽ gây tác hại kinh hoàng. Không ai được phép làm tổn thương những đứa trẻ mười mấy tuổi như vậy. Giáo dục với lối so sánh, xếp loại thủ khoa, á khoa, chót bảng thời phong kiến với lối Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, giờ văn minh rồi, sao vẫn như xưa?
Trong một lớp 40 bạn, cứ cuối tháng cuối năm, giả sử bạn A đứng nhất lớp, bạn Z đứng 40/40, thì sẽ gây ra hiện tượng A bị bệnh chảnh, cảm thấy mình giỏi hơn người, sau này khó thành công, giỏi trong lớp đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Còn bạn Z cứ bị xếp 40/40, dần dần sẽ mặc cảm, thấy mình vô dụng và bỏ học. Bạn Tony từ cấp 1, cấp 2, những bạn bị xếp loại như vậy đều bỏ học ở nhà nửa chừng để đi gánh lúa, vì nghĩ là mình không học được. Một giáo dục nhân văn phải XOÁ BỎ ngay hình thức xếp loại này, vì sẽ làm tổn thương các đứa trẻ.
Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, mặc dù rất tiên tiến nhưng giáo dục ở đây vẫn bị ảnh hưởng tư tưởng hơn thua gay gắt của người phương Đông. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực so sánh với bạn bè, theo những tiêu chuẩn thành công gì đó của cha mẹ muốn. Trong khi một đứa trẻ khác nhau là khác nhau, 7 tỷ dân trên quả đất không ai có y hệt dấu vân tay, y hệt cấu trúc gen. Đứa có 2 tỷ nơ-ron thần kinh và đứa chỉ có 1 tỷ, đứa cao đứa thấp, đứa trắng đứa đen. Trời đất đã sinh ra chúng khác nhau, hà cớ gì chỉ lấy một tiêu chuẩn kiến thức (loài người xưa nay nghĩ ra, hữu hạn) để xếp loại? Giải nhất quốc gia thì chỉ là đứa thi cử chữ nghĩa giỏi nhất trong tập hợp mấy triệu học sinh đó, không có ý nghĩa gì với 7 tỷ nhân loại, trừ nó có phát minh cái gì đó đặc biệt. Tương tự nếu bạn là thủ khoa đại học hay sinh viên trường top ở một quốc gia nào đó, nếu bạn chưa có đóng góp gì cho văn minh nhân loại thì hãy khiêm tốn cúi đầu. Thành tích không có ý nghĩa gì. Thành tựu mới là cái đáng trân trọng. Và thành nhân là mục đích tối thượng của con người.
B không giải được bài toán đại số nhưng nó có giọng hát thiên phú, nó hoàn toàn có thể kiếm sống mà không xin xỏ ai. D không hiểu vì sao phải đạo hàm hay vẽ đồ thị f(x3) nhưng nó có thể chạy 20km không mệt. Thì hãy tôn trọng từng cá thể, vốn sinh ra công bằng dưới trời đất này. Đừng bao giờ so sánh chúng với ai, và chúng ta cũng vậy. Giàu, nghèo, thành đạt, hạnh phúc, …chỉ là những khái niệm ĐỊNH TÍNH, vô tận vô cùng. Tôi có 3 tỷ là giàu nhưng anh kia nói chỉ có 1 trăm triệu là vương giả, năm sau tôi đạt được mức trên và giàu có bây giờ phải 10 tỷ. Khi mới sinh ra, 1 đứa trẻ biết không tè không ị vô quần là thành đạt. Và đua tranh ganh ghét người khác cả đời, đến 90 tuổi mới nhận ra thành đạt cũng chỉ là tự chủ trong tiêu tiểu.
Tôi là Nguyễn văn B, tôi có những giá trị riêng của tôi, “giá trị Nguyễn Văn B”. Cái câu cửa miệng của nhiều người “nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống cũng không ai bằng mình” là một triết lý nhảm nhí của người châu Á.
Đường mình mình đi, mắc mớ gì cứ nhìn với ngó?